10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy là chủ trương mang tính nhân văn, nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Nghiêm túc thực hiện chủ trương này, tỉnh đã quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, pa-nô, áp phích, tài liệu, tổ chức các cuộc phát thanh lưu động, tuyên truyền trên báo, đài…, nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành, đã tổ chức ra quân phát động đội MBH vào ngày 12/1/2008. Ban An toàn giao thông (ATGT) các huyện, thành phố cũng đã phát động đội MBH vào các ngày sau đó; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành đội MBH trong các trường học… Từ đó đã làm chuyển biến nhận thức và thay đổi thói quen của người tham gia giao thông, thực hiện tốt quy định này.

Ban ATGT đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH triển khai Chương trình đổi MBH chất lượng có trợ giá cho người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã đổi 11.965 mũ, qua đó cũng đã thu hồi, tiêu hủy trên 10.000 MBH cũ, không đảm bảo chất lượng; với tổng số tiền trợ giá cho người dân gần 1 tỷ đồng. Theo ông Dương Hoài Nam, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, thông qua Chương trình cũng đã tuyên truyền đến tận người dân biết về tầm quan trọng của việc đội MBH chất lượng khi tham gia giao thông; ý thức của người dân trong việc chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc lựa chọn MBH chất lượng để bảo vệ chính mình. “Tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh chấp hành việc đội MBH đạt chuẩn đạt hiệu quả trên 90%”, ông Nam thông tin.

img src=”/images/baiviet/1029-bai10-1.jpg” width = 595px/>

Song song đó, các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát kinh doanh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết không bán MBH không đảm bảo chất lượng theo quy định. Cụ thể, đã tổ chức triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra hơn 174 cơ sở kinh doanh MBH với 13.334 mũ; phát hiện vi phạm đăng ký kinh doanh 10 trường hợp, ghi nhãn hàng hóa 41 trường hợp, với 581 mũ; xử lý 8 trường hợp vi phạm, với số tiền hơn 45 triệu đồng; 18 mẫu MBH không đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam, tịch thu và tiêu hủy 1.035 MBH gồm các vi phạm: Không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy chất lượng không phù hợp với quy chuẩn.

Đi đôi là công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT được tăng cường. Trong 10 năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 155.624 ca tuần tra, kiểm soát chuyên đề người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tổng số phát hiện và xử lý 639.579 trường hợp vi phạm, trong đó có 31.978 trường hợp vi phạm không đội MBH, với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Nhìn lại 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, gắn máy, theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, việc thực hiện chủ trương này đã có hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người do tai nạn giao thông gây ra. Theo thống kê của ban ATGT tỉnh, từ năm 2008 đến 9 tháng năm 2017, tổng số trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông đến cấp cứu là 46.880 trường hợp, chấn thương sọ não 1.504 trường hợp, tử vong 178 trường hợp; trong đó không đội MBH 2.938 trường hợp (tỷ lệ 6,63%). Riêng tình hình tai nạn giao thông năm nay, số người chết và số người bị thương đều giảm so với năm 2016.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh thì việc thực hiện quy định đội MBH vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Việc kiểm tra chất lượng MBH còn gặp nhiều khó khăn, MBH không đạt chất lượng vẫn còn được bày bán; một số người tiêu dùng có tâm lý thích sử dụng loại mũ có kiểu dáng giống MBH, rẻ tiền, nhẹ, mẫu mã đẹp, mang tính đối phó khi tham gia giao thông; chương trình đổi MBH không đạt chuẩn lấy MBH đạt chuẩn chất lượng chưa được thực hiện thường xuyên do thiếu kinh phí; vẫn còn một số người dân còn chủ quan, chưa nghĩ đến hậu quả của việc không đội MBH cho con, em mình khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; việc xác định tuổi đối với trẻ em khi vi phạm không đội MBH còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm…

Ông Nam cho biết, từ kết quả 10 năm thực hiện quy định đội MBH trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh đề xuất Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường cấp phát tài liệu, tranh ảnh, phóng sự… liên quan đến quy định đội MBH cho các địa phương tuyên truyền sinh động, cuốn hút người dân quan tâm; Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á tổ chức các khóa tập huấn về việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xử lý vi phạm về MBH trẻ em cho cán bộ làm công tác truyền thông và các lực lượng chức năng xử lý vi phạm về MBH trẻ em. Đồng thời, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy; trong đó cần quy định thêm về các yêu cầu kỹ thuật đối với các linh kiện (vỏ mũ, mút xốp lót mũ) dùng để lắp ráp MBH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *