147 triệu USD tôm chế biến không thể xuất khẩu

Theo báo cáo của Sở Công thương, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt 170,6 triệu USD, chỉ bằng 14,2% kế hoạch năm. Các thị trường chủ yếu đều giảm sâu, như: Mỹ giảm 67%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%… Trong đó, chủ yếu xuất khẩu trong tháng 1 và tháng 2; gần 2 tháng qua, các công ty hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu mới.

Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến hiện khoảng 17.000 tấn (ảnh minh họa).

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ.

Một doanh nghiệp có thị trường chính xuất khẩu sang Trung Quốc cho hay, quý I/2019, công ty xuất hàng qua thị trường này đạt khoảng 10 triệu USD, còn năm nay chỉ bán được 450.000 USD. Hiện công ty đang tồn 400 tấn tôm sú, tương đương 150 tỷ đồng và không còn kinh phí để thu mua tôm trong dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 68 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, với tổng công suất các nhà máy chế biến 185.000 tấn/năm, sử dụng trên 20.000 công nhân, lao động. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19. Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến hiện khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm khoảng 70-75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.

Trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, Sở Công thương nhận định, với trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 5, các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, thu mua sản xuất tạm trữ số lượng lớn, hầu như doanh nghiệp không có nguồn tài chính để thu mua tôm tiếp tục chế biến. Từ đó dự báo sản lượng chế biến trong tháng 5 sẽ giảm khoảng 40% so với tháng 4, đến cuối tháng 8 mới có thể lấy lại đà tăng trưởng và trong quý IV sản lượng chế biến tôm tăng trưởng trở lại.

Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối quý II hoặc cuối quý III, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải đối diện với nhiều khó khăn hơn như: Sản lượng tồn kho lớn, không còn khả năng tài chính thu mua tôm nguyên liệu, gánh nặng chi phí ngày càng tăng dẫn đến việc cắt giảm mạnh lao động…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *