239 hộ dân 18 năm “hóng” nước sạch

Đi dọc cả một tuyến dài hơn 6km có 239 hộ, với hơn 1.119 khẩu đang sinh sống, mới thấy hết khó khăn thiếu thốn của vùng này. Đặc biệt, khi Khánh Hòa đã là xã nông thôn mới, nếu tình trạng này không được cải thiện, địa phương khó có thể được công nhận lại vào năm 2020.

Ông Triệu Phú Quốc, Trưởng ban Nhân dân Ấp 2, chia sẻ: Hiện nay, nước sạch là vấn đề bức xúc nhất của người dân địa phương. Còn nhớ thời điểm năm 1981, người dân ở đây sử dụng toàn bộ nước từ các ao đìa, lắng nước sạch mà uống và sinh hoạt, nhưng từ khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2000, nguồn nước ở đây nhiễm phèn mặn, người dân không còn cách nào khác là phải chịu sống chung với nước phèn.

Cứ thế, 18 năm qua người dân ở đây đành phải sống chung với nước phèn. Chỉ tay vào đồng phục của cháu mình, bà Trần Thị Pha trầm ngâm: “Trước đây đồng phục của cháu màu trắng tinh thì nay chúng đã ngả sang vàng”. Cũng theo ông Quốc, bà Pha, trong quá trình sản xuất, từ khi nước nhiễm phèn mặn thì nhiều bà con ở đây nản và không trồng trọt gì. Bởi lẽ phải đợi mưa, chứ nước phèn này càng tưới thì hoa màu càng chết.

Dọc theo tuyến dài hơn 6km, có 239 hộ với hơn 1.119 khẩu đang sinh sống với nguồn nước nhiễm phèn nặng.

Ý thức được nước nhiễm phèn ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, nhiều phụ nữ của ấp đã tận dụng các vật dụng có thể trữ nước trong mùa mưa để sử dụng cho mùa khô. Nhưng vật dụng có hạn, nhu cầu sử dụng lớn; do vậy chưa đến nửa mùa khô thì lượng nước mưa trữ sẵn đã hết, người dân buộc phải sử dụng nước lọc cho việc uống và nấu ăn.

Vấn đề này lại đặt ra bài toán khó đối với người dân ở đây, đặc biệt là với 36 hộ nghèo và 33 hộ cận nghèo. Bởi lẽ hàng tháng họ phải bỏ ra từ 70 – 100 ngàn đồng cho việc đổi nước lọc để sinh hoạt.

Vấn đề này đã được tỉnh Cà Mau tiếp nhận thông tin và đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện U Minh và một số sở, ngành của tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sớm khảo sát để có giải pháp trước mắt giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa khô này; đồng thời phải có phương án khắc phục cơ bản, lâu dài trong thời gian sớm nhất; phải nghiên cứu kỹ và tính toán giải pháp bền vững, lâu dài; công năng phải được phát huy tối đa, cả trên địa bàn Ấp 2 và các ấp lân cận đang thiếu nước.

100% hội viên Chi hội Phụ nữ ấp cho rằng nếu có nước nối mạng thì tất cả chị em sẽ sử dụng; bởi lẽ sử dụng nguồn nước như hiện nay bản thân rất lo lắng về tình hình sức khỏe của gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *