33 sản phẩm tiêu biểu được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, đây là chương trình lớn của Chính phủ nhằm từng bước chuẩn hóa sản phẩm ở từng địa phương, tạo ra sự đột phá, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, trong cả nước có 48 tỉnh công nhận, xếp hạng OCOP được hơn 2.100 sản phẩm; riêng khu vực ĐBSCL có gần 400 sản phẩm, tập trung ở các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre. Đối với Cà Mau, chương trình được triển khai với nhiều cố gắng, nỗ lực của các chủ thể sản phẩm, cơ quan chức năng.

Với phương châm vừa tuyên truyền, vận động, vừa “cầm tay, chỉ việc”, theo đó Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn chủ thể hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm như: Hướng dẫn các hợp đồng mua bán, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thiết kế mẫu mã bao bì, nhãn mác, các hoạt động bảo vệ môi trường, phân tích mẫu sản phẩm, công bố chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm…; đồng thời hướng dẫn các thủ tục liên quan để nộp hồ sơ tham gia phân hạng cấp huyện.

Tại hội nghị, có 33 sản phẩm của 22 chủ thể được Hội đồng đánh giá, phân hạng.

Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, do thói quen mua bán nhỏ lẻ, các chủ thể thiếu quan tâm đến việc ghi chép sổ sách, quản lý chứng từ, các hợp đồng mua bán… Mẫu mã bao bì đơn giản, hầu hết có mã số, mã vạch, tem QRcode nhưng chỉ tìm thấy những thông tin cơ bản, chưa truy xuất được quá trình hình thành và lưu thông sản phẩm. Tuy có ý tưởng sản phẩm nhưng câu chuyện sản phẩm không thể hiện được, chưa giới thiệu, quảng bá tốt, khách hàng chưa cảm nhận được những giá trị cốt lõi và giá trị tinh thần của sản phẩm. Ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất có nâng lên, có những hành động bảo vệ môi trường thiết thực, có tái chế, sử dụng lại phụ phẩm…, tuy nhiên, các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường hầu hết chưa đúng quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý mua bán sản phẩm, áp dụng vào hệ thống kế toán còn hạn chế nên kết quả điểm của các hồ sơ đề xuất Hội đồng cấp tỉnh hầu hết đạt 3 sao, nhưng số điểm không cao so với khung điểm chuẩn…

Qua đây, các chủ thể sản phẩm được trang bị thêm một số kiến thức cơ bản để chủ động hơn trong sản xuất thời gian tới.

Mục tiêu của việc xếp hạng sản phẩm nhằm thừa nhận, chứng nhận sản phẩm đạt các mức độ trong thang tiêu chuẩn để lưu thông trên thị trường và được người tiêu dùng thừa nhận; chu trình xếp hạng liên tục giúp chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh thông báo kết quả đánh giá xếp hạng đến các huyện và chủ thể. Đối với các sản phẩm từ 3 sao trở lên, trình UBND tỉnh công nhận sản phẩm; với sản phẩm dưới 3 sao, thì thông tin nội dung còn khiếm khuyết giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm để chu trình tiếp theo có thể nâng hạng.

Phối hợp với Sở Công thương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đối với các sản phẩm đạt OCOP và có tiềm năng. Tổ giúp việc cho Hội đồng tham mưu kế hoạch chương trình OCOP năm 2021 với mục tiêu, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ cho các chủ thể; những sản phẩm tiềm năng thì cần có người được phân công giúp đỡ thực hiện.

Cấp huyện triển khai các công việc tiếp theo và xác định chương trình năm 2021; rà soát, động viên các sản phẩm tiềm năng làm hồ sơ; tuyên truyền thông qua những sản phẩm đã được chứng nhận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh động viên các chủ thể cố gắng nhiều hơn bằng cách duy trì các mặt mạnh của sản phẩm, đồng thời có kế hoạch nâng cấp những điểm còn khiếm khuyết, nâng cao điểm theo các tiêu chí của OCOP; nếu có vướng mắc thì có thể liên hệ trực tiếp với Tổ tư vấn để được hỗ trợ cụ thể.

Hội nghị đã công bố 3 sản phẩm đạt 4 sao (3 sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty TNHH SX-TM-XD Phúc Thịnh tại Phường 7, TP. Cà Mau) và 30 sản phẩm đạt 3 sao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *