40 năm chiến thắng chiến dịch Tà Lơn trên biển

Tàu chiến đấu của Biên đội 1 bắn chế áp cho các lực lượng đổ bộ giải phóng đảo Koh Kong ngày 16/1/1979. (Ảnh chụp lại ảnh tư liệu).

Tình hình chiến sự 

Cho đến bây giờ, sau 40 năm kể từ ngày cầm súng chiến đấu trên đất bạn Campuchia, Trung tá, thuyền trưởng tàu HQ-07 Nguyễn Viết Chức vẫn nhớ như in ngày ông và đồng đội một sống một chết với bọn Pol Pot trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc. “Cuộc đời lính biển của tôi, ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Tổ quốc giao cho, còn có một niềm tự hào khác, đó là giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot, góp phần đem lại tự do cho người dân, ổn định chính trị cho nước bạn”, ông Chức chia sẻ.

Sau năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, giang sơn thu về một mối, song niềm hân hoan ấy chưa lâu thì trên biển phía Tây Nam của Tổ quốc xảy ra chiến tranh. Dưới sự giật dây điều khiển của các thế lực thù địch, bọn Pol Pot – một lực lượng hận thù dân tộc của nước bạn Campuchia, câu kết giả dạng ngư dân đánh cá đưa tàu thuyền dọc vùng biển Tây Nam nước ta. Không kể người Campuchia hay người Việt, chúng đi đến đâu, tàn sát bắn giết ngư dân đến đó. Trên bộ, bọn Khmer Đỏ trà trộn vào dân thường chém giết, treo cổ dân thường vô tội. Chúng thực hiện chiến dịch “tận diệt” bất kể già trẻ, gái trai. Trước tình hình chính trị Campuchia hỗn loạn, Chính phủ Hoàng gia lúc đó đứng đầu là Chủ tịch Heng Samrin đã yêu cầu Việt Nam giúp đỡ về mặt quân sự để thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.

Trước nỗi đau của người dân nước bạn, yêu cầu của Chủ tịch Heng Samrin, để đập tan mưu đồ lấn chiếm vùng biển Tây Nam Tổ quốc của bọn Pol Pot, Việt Nam xác định: Giúp bạn là giúp mình. Hàng ngàn lính tình nguyện Việt Nam lên đường sang Campuchia chiến đấu, trong đó có đông đảo cán bộ, chiến sĩ của Hạm đội 171 Hải quân.

Trận mở màn chiến dịch

Có lẽ trong nhiều cựu binh trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979, cựu binh Nguyễn Viết Chức là một thuyền trưởng điển hình về tác chiến đánh địch trên chiến trường sông biển. Bởi vậy khi nói đến chiến dịch đánh bọn Pol Pot, ông Chức kể lưu loát từng chi tiết. Ông bảo: “Nếu lúc đó Việt Nam không giúp nước bạn tiêu diệt bọn Pol Pot, thì đất nước Campuchia sẽ không thể độc lập, nền chính trị của nước này sẽ đi một hướng khác, bọn Khmer Đỏ thống trị chứ không phải là hoàng gia như bây giờ”.

Trong nhiều lực lượng tình nguyện sang Campuchia giải phóng, Lữ đoàn 171 lúc đó mang phiên hiệu Hạm đội 171, được điều động 9 tàu, đó là tàu HQ-501, HQ-01, HQ-03, HQ-05, HQ-07, HQ-197, HQ-199, HQ-205, HQ-215 phối hợp với lực lượng BM do Đại úy Nguyễn Hồng Lỳ – Tham mưu phó Hạm đội chỉ huy. Tất cả các tàu trên được tập kết ở bến cảng Cam Ranh và chia thành hai biên đội. Tàu HQ-501 làm tổng chỉ huy. Trước khi ra trận, các biên đội tàu tổ chức phát động thi đua quyết tâm chiến đấu. Trong niềm vui ra trận, có cả những trăn trở lo toan. Những người lính trẻ, tuổi mười tám đôi mươi lần đầu tiên bước chân xuống tàu đi chiến đấu, họ đã khóc vì nhớ quê hương. Nhiều tân binh viết thư về cho gia đình chia tay lần cuối. Bởi chiến tranh bom rơi đạn lạc biết bao giờ trở lại quê nhà? Thuyền trưởng Nguyễn Viết Chức cũng lên đường trong niềm tự hào và trăn trở ấy.

Sau khi rời cảng Cam Ranh, hai biên đội tàu chia làm hai nhóm tàu. Nhóm biệt kích 1 gồm các tàu HQ-01, HQ-03, HQ-197, HQ-205; thuyền trưởng Đỗ Xuân Công chỉ huy đi trên tàu HQ-01. Nhóm này có nhiệm vụ dùng pháo lớn bắn từ xa và đánh chặn địch trên vùng biển Coong-Xom-Khôm và cảng Reem (Campuchia). Nhóm 2 gồm các tàu HQ-05, HQ-07, HQ-613, HQ-199, HQ-203, HQ-215 và các tàu PGM của Vùng 5 Hải quân do Đại úy Nguyễn Tư Tường chỉ huy. Đây là nhóm đột kích vào cảng Reem, bảo vệ cạnh sườn bên trái cho lực lượng Đặc công nước 126 đổ bộ đánh chiếm đầu cầu. Khi phát hiện ra lực lượng tàu ta trinh sát, bọn Pol Pot đã cho tàu có trọng tải 100 – 200 tấn ra đánh chặn và tấn công tàu ta.

Trước tình hình đó, Hạm đội 171 lệnh cho nhóm đột kích 2 vào vị trí chiến đấu, đánh chi viện cho tàu trinh sát HQ-613 và HQ-199. Trận chiến đấu đánh giáp lá cà chỉ diễn ra 20 phút nhưng một tàu địch bị tiêu diệt hoàn toàn, một tàu khác bị hỏng nặng. Thấy ta tấn công mãnh liệt, bọn Pol Pot đã lùi lại co cụm về cảng Reem, sau đó vòng sườn lừa đánh phía sau các tàu của ta. Nhưng ta phát hiện đánh phủ đầu và tiêu diệt 2/3 số tàu địch. Số còn lại thấy yếu thế lùi vào cảng Reem củng cố lực lượng. Trận mở màn chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Cựu chiến binh Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 kể chuyện trận Tà Lơn trên biển.

  Nước mắt thuyền trưởng

40 năm trước, ông Chức ôm xác đồng đội trên tay giữa ca-bin tàu gào khóc và chính tay ông đã đưa thi thể đồng đội vào bao lạnh dưới hầm tàu. 40 năm sau, nước mắt ông Chức lại trào ra, phần vì quá khứ ám ảnh, phần vì cảm xúc khi hồi ức những ngày gian khổ ùa về. Giọng ông chùng xuống: “Mặc dù ta giành thắng lợi hoàn toàn, bọn Khmer Đỏ bị tiêu diệt và bắt sống, nhưng nhiều chiến sĩ của lữ đoàn hy sinh ngay trên vùng biển Tây Nam. Trong đó nhiều chiến sĩ không tìm thấy thi thể”.

Trong nhiều chiến sĩ hy sinh, ông Chức nhớ nhất là chiến sĩ Lê Hữu Được quê ở Thanh Hóa, bị quả đạn cối 57 ly của địch bắn mất đầu. “Lúc đó, Được đang thực hiện nhiệm vụ trên ca-bin tàu, bỗng một tiếng nổ inh tai kèm theo mùi thuốc pháo khét lẹt. Cả buồng lái mịt mù. Tôi ngoảnh lại không thấy Được đâu, nhìn trên nền ca-bin, thấy thân thể Được nằm trên vũng máu không có đầu. Tôi chạy đến ôm xác nó gào khóc giữa đạn bắn ầm ầm, rồi lần từng bậc thang ôm xác đồng đội xuống hầm lạnh”, ông Chức xúc động hồi tưởng.

Những đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh trên tàu HQ-07 ngày ấy cũng được ông Chức nhắc đến trong câu chuyện kể. Đó là chiến sĩ hàng hải Tô Duy Hải bị quả pháo 57 ly xuyên trúng ngực, qua bốn lớp vách ngăn khi đang cầm vô-lăng điều khiển tàu chiến đấu; chiến sĩ ngành pháo tàu HQ-07 Trần Văn Hòa bị đạn địch bắn nát hai chân, chỉ còn xương trơ trọi, máu chảy ròng ròng. Trước lúc tắt thở, Hòa còn hô lớn: “Anh em hãy chiến đấu trả thù cho đồng bào, đồng chí, đồng đội”. Việc đầu đạn pháo 57 ly của địch trúng ngực chiến sĩ Được xuyên qua bốn lớp vách ngăn, Ông Chức giải thích: “Sau khi chiến sĩ Được hy sinh, chúng tôi kiểm tra vách ngăn phía trước buồng lái có một đầu đạn xuyên thủng bốn lớp. Thì ra đầu đạn hết lực nên găm tại đó”.

Năm nay ông Chức gần 60 tuổi – vị thuyền trưởng một thời máu lửa tóc đã bạc hơn phân nửa, nhưng trí nhớ của ông vẫn tốt. Đời ông gắn liền với biển đảo, bộ não ông như một cuốn sách lịch sử, mà trong đó là những trận đánh trên biển, những tên tuổi đồng đội đã hy sinh và cao hơn tất cả là những tự hào không bao giờ vơi cạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *