70 năm ngời sáng tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cương lĩnh công tác dân vận của Đảng

Theo ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, tác phẩm “Dân vận” với bút danh X.Y.Z trên báo Sự Thật của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây tròn 70 năm là cương lĩnh công tác dân vận của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo khoa học 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của tác phẩm, từ đó nhận thức đúng, đầy đủ và vận dụng vào thực tiễn công tác trong tình hình mới.

Qua bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định: “Không chỉ là người thiết kế ra công tác dân vận, mà Bác Hồ còn là bậc thầy trong thực hiện công tác này”.

Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa nhiều nội dung thiết thực, những chỉ dẫn quý báu về công tác dân vận. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ của công tác dân vận là: “… Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Để vận động nhân dân, theo Người, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng; muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Người còn căn dặn: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Về lực lượng phụ trách công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”. Người đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ làm công tác dân vận, đội ngũ này phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” – 12 từ này vừa là tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác dân vận, vừa là phương pháp để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dân vận phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị.

Sôi nổi mô hình “Dân vận khéo”

Trong những năm qua, mô hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến nay, mô hình ngày càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.

Trên lĩnh vực kinh tế, nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Các mô hình này thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, qua đó giúp nhiều hộ giảm nghèo, vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, nổi bật ở nhiều địa phương là mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý đối với các chủ trương, chính sách có liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ. Ở các cơ quan hành chính nhà nước, nhiều mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dưng đạo đức công vụ; tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Ban Dận vận Trung ương tổ chức tuần qua, cũng chỉ ra: Hiện tại, mô hình “Dân vận khéo” chủ yếu vẫn tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, chưa triển khai mạnh ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình là “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít; ở nhiều nơi việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi trong thực hiện công tác dân vận chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức…

Công tác “Dân vận chính quyền” ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả thấp do một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân vận. Sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; thậm chí vẫn còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ở một số đơn vị chưa thường xuyên; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa gương mẫu, đi đầu trong thực hiện công tác dân vận…

Phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự đi vào đời sống xã hội, nhất là ở nông thôn.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở đất mũi

Ở tỉnh cực Nam Tổ quốc, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả khá tốt, nhiều cách làm hay, mô hình có hiệu quả được biểu dương, khen thưởng và nhân rộng, từ đó đã tạo được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị đã đề ra.

Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có trên 6.160 mô hình “Dân vận khéo” của các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh; Ban Dân vận các huyện, thành ủy đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực như sau: Kinh tế 2.532 mô hình; Văn hóa – xã hội 2.151 mô hình; an ninh – quốc phòng 702 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 784 mô hình; có trên 1.060 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thực hiện có hiệu quả và có thể nhân rộng.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và lực lượng làm công tác dân vận quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, vận động, tổ chức thực hiện. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống xã hội, phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động của nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần làm chuyển biến trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội nâng cao ý thức trách nhiệm, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát cơ sở, sát dân, nhất là cán bộ các cơ quan chính quyền đã làm tốt công tác vận động nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thu được nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay, hiệu quả của các tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: Phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

“Tác phẩm “Dân vận” đã khẳng định vị trí xứng đáng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, với giá trị đặc biệt, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. “Dân vận” là tâm huyết Bác dành cho mỗi cán bộ, đảng viên, khẳng định sâu sắc quan điểm dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phản chiếu sinh động, trọn vẹn cả tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *