Ấm nghĩa tình đồng đội

Đây là lần thứ 5, lễ giỗ được tổ chức trang trọng, ấm nghĩa tình đồng đội, thu hút ngày càng đông số lượng người từ mọi miền đất nước tham dự. Gần 800 đại biểu là cựu tù, lãnh đạo các ban, ngành và nhiều thành phần trong xã hội. Mỗi người một nén hương, một tấm lòng thành cùng tưởng nhớ và tri ân hơn một vạn người đã khuất.

Dự lễ giỗ lần này, đoàn Cà Mau có 7 cựu tù Côn Đảo, trong đó có 6 người lần đầu được trở về thăm “địa ngục trần gian” xưa. Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa của lễ giỗ, chuyến đi này thật sự đã để lại trong lòng mỗi người nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Trong những ngày cuối đời, các cựu tù bày tỏ mong muốn bà con cư dân nơi đây cùng mọi người từ đất liền ra thăm Côn Đảo sẽ quan tâm và duy trì ngày lễ giỗ nghĩa tình này.

Tại cảng Bến Đầm, Ban Tổ chức đón tiếp các cựu tù chính trị từ đất liền về dự lễ giỗ.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải (bìa trái) đang trò chuyện với các đại biểu tại lễ giỗ.

Chị Đỗ Thị Bích Nga (trái) (tỉnh Bến Tre), chị Lâm Thị Trường Ba (TP. Phan Thiết) là con của hai liệt sĩ hy sinh tại Côn Đảo, từ khi sinh ra chưa từng biết mặt cha. Hai chị đang thắp hương cho cha và các anh hùng liệt sĩ tại lễ tiên thường ở Trại 6, Khu B.

Lễ tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đại biểu các đoàn thăm lại “chuồng cọp”.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, nguyên Phó Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, 14 tuổi là chiến sĩ biệt động thành, 4 lần được cấp trên tặng thưởng là Dũng sĩ diệt cơ giới, 16 tuổi bị địch bắt giam tại nhiều nhà tù sau đó lưu đày ra Côn Đảo. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông là Trưởng ban Thiếu niên nhi đồng của Tỉnh đoàn Côn Đảo. Trong ảnh: Ông Vinh thăm lại Trại 7, còn gọi là chuồng cọp kiểu Mỹ, nơi ông từng bị giam giữ.

Năm 1973, ông Bùi Văn Toản nhận nhiệm vụ hằng ngày nghe radio, ghi chép lại và báo cáo tin tức cho các đồng đội trong tù. Cái radio được cất giấu trên tường và nơi vệ sinh trong phòng, được bảo mật tuyệt đối, đã phục vụ kịp thời nhiều thông tin thời sự, tư liệu cho nhiều chuyên mục các tờ báo của các chiến sĩ cách mạng ở Trại 6, Khu B. Đất nước thống nhất, ông đã dùi mài hơn 15 năm trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II để sưu tầm, tập hợp và công bố những tư liệu giá trị về lịch sử Côn Đảo. Từ đề tài này, ông viết hơn 10 quyển sách và bảo vệ Luận án tiến sĩ Sử học. Với những việc làm nhân văn đó, năm 2011, ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trong ảnh: Ông Toản (bìa trái) chỉ nơi trước kia mình cất giấu radio.

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và thanh niên Tập đoàn FPT tổ chức lễ “Thắp nến tri ân”, một bản đồ bằng nến có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc.

Đại biểu lần lượt dâng hương.

Đêm giao lưu văn nghệ “Hát cho đồng đội tôi nghe”. Tiếng hát nhắc nhớ về một thời đau thương nhưng rất đỗi hào hùng. Để có được những buổi sinh hoạt văn nghệ trong xà lim, người tù phải trả giá bằng cả xương máu. Trong ảnh: Mọi người cùng hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *