Anh Tư Hiếu và những ước mơ “có thật” dưới tán rừng

Anh Trần Văn Hiếu sinh năm 1964, trong một gia đình nông dân ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Năm 1981, anh trúng tuyển vào Trường Đại học Nông Lâm (Khoa Kinh tế lâm nghiệp). 5 năm cuộc sống sinh viên thời bao cấp vất vả không làm lùi bước ý chí quyết tâm ở chàng trai trẻ. Tốt nghiệp năm 1986, anh quyết định trở về phục vụ quê hương…

Anh Trần Văn Hiếu (thứ 2 từ phải sang) trong một lần cùng đoàn công tác do ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến tìm hiểu đời sống của các hộ dân nhận khoán đất rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý. Ảnh: CHÍ BẮC

DUYÊN NGHIỆP VỚI “RỪNG”

Về công tác tại Phòng Nghiệp vụ Quản lý kinh tế (Sở Lâm nghiệp); một năm sau, anh được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng Lâm ngư trường Tắc Biển và duyên nghiệp với rừng đến với anh kể từ đó. Năm 2003, anh Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Lâm ngư trường Tắc Biển; đến năm 2007 là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sông Trẹm. Năm 2008, khi tỉnh có chủ trương ghép 5 công ty lâm nghiệp lại thành một, anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc. Tháng 7/2010, anh tiếp tục được điều giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển. Tháng 9/2011, là Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đến nay… Trải qua 28 năm công tác trong ngành Lâm nghiệp, trong đó trên 20 năm gắn bó máu thịt với vùng đất ngập mặn – rừng đước và gần 5 năm bám chặt vùng đất ngọt hóa – rừng tràm U Minh Hạ, dù công tác nơi đâu, anh đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là chỉ tiêu trồng rừng, góp phần giữ “lá phổi xanh” cho quê hương.

Anh Hiếu chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tiên ngồi trên ghế nhà trường, hẳn nhiều học sinh được nghe thầy cô giáo nói về Việt Nam là một đất nước “rừng vàng, biển bạc”, Cà Mau thật may mắn cũng có biển, có rừng. Tuy nhiên, những năm 2000, tình trạng chặt phá rừng trái phép diễn ra nghiêm trọng, khiến cho đất đai bị xói mòn, sạt lở, làm mất cân bằng hệ sinh thái… Đứng trước tình thế ấy, bản thân cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn và quyết tâm tìm giải pháp để dân sống được dưới tán rừng và chung tay bảo vệ rừng…”.

TRĂN TRỞ SINH KẾ CHO DÂN

Giữa năm 2010, tôi có chuyến công tác tại huyện Ngọc Hiển để tìm hiểu về nạn chặt phá rừng, khi ấy anh Hiếu là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển. Đi cùng anh trên chiếc vỏ lãi composite chạy len lỏi vào các con kênh, cả cánh rừng đước xanh mượt dài tít tắp như dẫn chúng tôi lạc vào một thế giới khác. Rồi bất chợt đằng xa có một chiếc xuồng đang kéo vội, phút chốc đã mất dạng, theo anh Hiếu, đó là xuồng của người dân lén vào rừng đốn củi, hầm than. Anh Hiếu phân trần: “Mặc dù lực lượng kiểm lâm ra sức tuần tra, kiểm soát, nhưng sơ hở là “lâm tặc” ra tay ngay”. Để minh chứng cho điều đó, anh Hiếu bước lên bờ, chọn một vị trí thật cao để quan sát, rồi liền xuống vỏ, chỉ đạo tài công chạy theo đường anh chỉ. Đến nơi, tôi mới vỡ lẽ, một lò hầm than khói nghi ngút cạnh bìa rừng, hỏi thăm chủ nhân thì không ai thừa nhận. Anh Hiếu chia sẻ: “Dù bọn anh đã rất cố gắng, song do đa phần dân di cư từ nơi khác đến, không đất ở, đất sản xuất; nghề nghiệp không ổn định, họ “đánh liều” với pháp luật và bất chấp với lực lượng chức năng “chặt phá rừng” để tìm kế mưu sinh. Vấn đề nan giải ở đây là làm sao đảm bảo vấn đề sinh kế cho bà con dưới tán rừng thì mới mong đến chuyện bà con bám rừng, chung tay bảo vệ rừng…”.

Một năm sau, tức năm 2011, tình cờ tôi gặp lại anh Hiếu tại thị trấn U Minh, khi ấy anh được phân công nhận nhiệm vụ mới – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Tình hình Công ty lúc ấy gặp nhiều khó khăn, buộc anh phải suy nghĩ, tính toán, tìm ra giải pháp đưa Công ty vượt qua giai đoạn thử thách, cũng như tìm giải pháp mở ra hướng đi mới cho người dân sống dưới tán rừng tràm…

Anh Trần Văn Hiếu (phải) kiểm tra công tác trồng rừng tại Liên Tiểu khu Sông Trẹm.

ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

Cùng với chính sách mới của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Lâm nghiệp, giao đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh…, anh Hiếu kịp thời tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về việc giao khoán đất rừng cho dân, là cơ sở để tháo gỡ nút thắt cho phát triển kinh tế rừng.

Với vai trò là người đứng đầu Công ty, anh rà soát, quy hoạch lại rừng sản xuất theo hướng thâm canh để rút ngắn chu kỳ trồng, tận dụng bờ liếp trồng keo lai, tăng sản lượng gỗ, phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước bảo đảm nhu cầu nguyên liệu gỗ cho chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sống trên lâm phần tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng. Tham mưu UBND tỉnh cho phép người dân khai thác tràm vào mùa khô (trước chỉ khai khác vào mùa mưa), bởi mùa khô giá tràm sẽ cao hơn; đồng thời kết hợp đào kênh nhằm đưa phương tiện chữa cháy vào kịp thời khi sự cố xảy ra. Mặt khác, tranh thủ huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, gắn phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất… Nhờ đó, đời sống của người dân dưới tán rừng ngày càng được nâng lên.

Tháng 10 qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”. Phần thưởng vinh dự này ghi nhận những đóng góp xứng đáng của Công ty đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong thành tích chung đó, vai trò của anh Hiếu không nhỏ.

Trước tin vui này, tôi trở lại Công ty để gặp anh, tìm hiểu về đời sống của người dân dưới tán rừng. Hôm ấy đúng vào dịp anh Hiếu đại diện Công ty tổ chức trao tặng căn Nhà vì người nghèo tại Ấp 17, xã Khánh Thuận. Anh cho biết: “Đây là hộ đồng bào dân tộc nghèo, sống trên lâm phần, do không có đất sản xuất nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, thấy gia đình nỗ lực vươn lên, chí thú làm ăn, Công ty đã hỗ trợ cất nhà giúp họ an cư, để sau đó mới có thể lạc nghiệp”. Trong căn nhà mới, tiếng cười của trẻ thơ làm ấm lại cái lạnh của luồng gió xuân thoảng đưa về…

Rời căn nhà mới, nhỏ xinh giữa mênh mông rừng tràm, anh Hiếu tiếp tục dẫn đường đưa tôi đến thăm cánh rừng tràm trồng thâm canh kê liếp hơn 2 tháng tuổi của người dân tại Liên Tiểu khu Sông Trẹm. Anh cùng anh Phạm Hoàng Thọ (nhân viên Liên Tiểu khu Sông Trẹm) xuống liếp rừng, kiểm tra độ phát triển của rễ tràm. Đây cũng là sáng kiến được công nhận cấp tỉnh của anh Hiếu vào năm 2011, bởi tính hiệu quả của mô hình rất cao, nếu áp dụng mô hình này sẽ rút ngắn thời gian khai thác tràm (từ 12 năm xuống còn 6 – 7 năm), lợi nhuận về mặt kinh tế tăng lên gấp đôi, gấp rưỡi. Chúng tôi tiếp tục chuyển địa bàn qua Liên Tiểu khu 30/4, để gặp một số gia đình đã áp dụng hiệu quả mô hình này. Vợ chồng anh Nguyễn Huy Hoàng và chị Huỳnh Ngọc Lẳm, Ấp 4, xã Khánh Thuận, đã lãi gần 2 tỷ đồng sau đợt khai thác 20ha tràm theo mô hình thâm canh kê liếp vào năm 2014. Chị Lẳm cho biết: “Với phương pháp trồng tràm mới theo hướng thâm canh kê liếp, kết hợp tăng gia sản xuất dưới tán rừng, cùng với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và cơ chế quản lý hợp tình, hợp lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, giá trị cây tràm nâng lên… Nói thật, vài năm gần đây như có luồng gió mới thổi về vùng đất U Minh này, mở ra cuộc sống mới, đầy triển vọng cho người dân sống dưới tán rừng. Trong đó, công sức anh Hiếu đối với người dân rất nhiều”. Cũng vì tính hiệu quả của mô hình này, hiện nay diện tích trồng rừng theo mô hình thâm canh kê liếp trong lâm phần Công ty tăng cao, 4.893,6/25.272,38ha rừng trồng theo mô hình thâm canh, trong đó keo lai 2.577,5ha, tràm bản địa 2.243,2ha và tràm Úc 72,9ha.

Dưới cái nắng bỏng rát trút xuống những liếp rừng đang được người dân ở Liên Tiểu khu 30/4 trồng mới và một số liếp cơ giới còn đang “sửa soạn” lại cho kịp vụ vào những ngày cuối năm, anh Hiếu nhanh nhẹn tiến đến gần thăm hỏi, động viên bà con trồng rừng, khuyến khích bà con tăng gia sản xuất dưới tán rừng để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhìn hình ảnh ấy, tôi cảm nhận ở anh Hiếu sự giản dị và chân thành của một vị giám đốc, là người sống trọng nghĩa tình, trái tim luôn hướng về cộng đồng… Thực tế còn nhiều hơn thế, anh đã cùng với tập thể Công ty tích cực đóng góp cho các hoạt động từ thiện, chăm lo xây dựng quê hương: Từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Công ty đều đóng góp cùng địa phương trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động xây dựng lộ giao thông nông thôn; giúp đỡ gia đình chính sách; đóng góp các nguồn quỹ an sinh xã hội…

Anh Hiếu, giám đốc hội đủ cả “tâm”, “tài” và nhờ cái tâm, cái tài ấy đã góp phần tích cực mở ra hướng đi mới cho người dân dưới tán rừng tràm như hôm nay…

Nhìn từ xa, những cánh rừng tràm và keo lai bạt ngàn, trải dài từ thị trấn U Minh tới đôi bờ Sông Trẹm. Trên đất rừng, bà con đắp đê bao trồng thêm cam, quýt, chuối, đu đủ và các cây ăn trái, giúp đời sống gia đình cải thiện. Cũng từ đó, người dân thêm yêu rừng. Hơn ai hết, người sinh sống “bám” rừng hiểu những cánh rừng xanh kia quan trọng như thế nào, bởi đó là miếng cơm, manh áo, là cuộc sống đủ đầy, nên việc bảo vệ rừng được họ thực hiện như một lẽ tất nhiên. Để suy nghĩ đó hiện hữu trong lòng dân, công lao của anh Hiếu – vị giám đốc chân đất, gần dân ấy là không nhỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *