Bản đồ “năng lượng sạch” sẽ có tên Cà Mau

Dự án Nhà máy Điện gió Khai Long – Cà Mau đang được khẩn trương xây dựng. Đây không những là công trình mang lại hiệu quả kinh tế năng lượng sạch mà còn tạo lợi thế để phục vụ cho phát triển du lịch xanh vùng đất mũi.

Được biết đến là người đi tiên phong trong ngành công nghiệp phát triển hệ thống điện gió tại khu vực các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, ông Tô Hoài Dân – Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, cho biết: “Từ thành công ban đầu của “cánh đồng điện gió” tại tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu hướng đến của Công ty là tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau được xem là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển hệ thống điện gió, thế nên chúng tôi tập trung triển khai thực hiện dự án tại đây với quy mô lớn”.

Được biết, giai đoạn II của Dự án cũng có công suất 100MW trên diện tích trên 2.537ha và giai đoạn III có công suất 100MW trên diện tích 2.552ha. Cả 3 giai đoạn của Dự án đều triển khai trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Sau thành công của “cánh đồng điện gió” Bạc Liêu, hiện nay nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến phát triển năng lượng sạch, và Cà Mau là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này.

Liên quan đến khai thác điện gió vùng ven biển tại tỉnh Cà Mau, Bộ Công thương vừa phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030”, phù hợp với tiềm năng điện gió tại địa phương. Theo đó, mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 350MW với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 997,5 triệu kWh. Sẽ có 2 vùng được đưa vào quy hoạch, trong đó khu vực I với bờ biển Đông thuộc các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, trên tổng diện tích 57.155ha với tổng công suất 2.287 MW, vận tốc gió khu vực này qua khảo sát đạt 7m/s. Tại khu vực II thuộc bờ biển Tây, gồm các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh với tổng diện tích quy hoạch trên 33.000ha, vận tốc gió khu vực này đo được 6m/s.

Trước mắt, từ nay đến năm 2020, bên cạnh triển khai lần lượt 3 giai đoạn Dự án, sẽ triển khai Dự án Nhà máy Điện gió Tân Ân I tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển và Dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tổng diện tích trên 1.200ha, tổng công suất 50MW. Sản phẩm của các nhà máy này sẽ được đấu nối vào đường dây 110kV.

Năng lượng điện gió đã được truyền tải lên hệ thống điện lưới quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Xác định đây là những dự án mang lại nguồn năng lượng sạch, nhất là trong thời kỳ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các dự án sớm triển khai và địa phương sẽ ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án còn lại, với chính sách ưu đãi tốt nhất.

Trong tương lai gần, ngoài việc được điền tên vào bản đồ “năng lượng sạch”, Cà Mau sẽ trở thành địa phương có nền công nghiệp điện gió lớn mạnh. Đây còn là quyết tâm của tỉnh trong “cuộc chiến” làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, tích cực chung tay cùng cả nước và toàn cầu trong sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, hướng đến mục tiêu chung là ngăn chặn, ít tác động đến hiện tượng Trái đất ngày càng nóng lên, vì chất lượng cuộc sống bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng: “Quy hoạch phát triển điện gió tại Cà Mau nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn các thành phần kinh tế, khai thác lợi thế tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió; bổ sung nguồn điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *