Bàn về chiến lược phát triển giáo dục tại Cà Mau

Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ông Tạ Thanh Vũ cho biết, hiện toàn tỉnh có 305/508 trường đạt chuẩn Quốc gia, trên 240 ngàn học sinh ở các cấp học; đội ngũ cán bộ, giáo viên có 2.296 người có trình độ đạt chuẩn trở lên. Trường lớp được quy hoạch và mở rộng tương đối hoàn chỉnh với sự phát triển khá cân đối của các cấp học, ngành học. Mạng lưới trường lớp rải đều ở các xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng hoàn chỉnh và khang trang, sạch đẹp.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT Cà Mau đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, hướng tới hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục Cà Mau đề xuất Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hỗ trợ quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) của tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT. Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quy hoạch tổng thể phát triển GD&ĐT Cà Mau giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở các khóa ngắn hạn cũng gặp nhiều khó khăn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành. Việc dạy cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ tự kỷ, khuyết tật, cần được quan tâm hơn để đảm bảo công bằng trong giáo dục đối với người yếu thế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, do người dân sống phân tán, địa bàn rộng, dân cư sống ở vùng sâu, vùng xa nhiều nên có nhiều điểm trường lẻ, trong thời gian qua tỉnh đã cố gắng sắp xếp điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục, tuy nhiên mỗi lần xóa điểm lẻ là mỗi lần gặp khó do biên chế giáo viên giảm nhưng số học sinh tăng theo Thông tư 16. Bên cạnh đó, cái khó nữa của ngành Giáo dục tỉnh là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; một bộ phận giáo viên còn gặp khó khăn do điều kiện đi lại, ăn ở, chế độ tiền lương thấp, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non ở huyện Ngọc Hiển còn thiếu nhiều, do đó cần có chính sách giáo dục đặc thù đối với giáo viên mầm non để khuyến khích, thu hút.

“Về chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ, mặc dù trong thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư bồi dưỡng nhưng chất lượng chưa được nâng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Về chương trình giáo dục địa phương, hiện tỉnh vẫn chưa thực hiện được, hàng năm tỉnh cũng đã dành nguồn kinh phí tương tối lớn để bồi dưỡng giáo viên, mua sắm vật chất, trang thiết bị nhưng nguồn lực không đáp ứng được”, ông Trần Hồng Quân cho biết.

Tại buổi làm việc, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, liên quan đến chiến lược phát triển giáo dục tại Cà Mau, cần có đánh giá tổng quan và Viện có thể tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, năng lực, nguồn lực đầu tư dựa trên số liệu cung cấp của ngành Giáo dục Cà Mau. Đối với việc xây dựng đề án chuyển đổi số và đề án triển khai chương trình GDPT mới, thì Viện cũng có thể tham gia tư vấn, hỗ trợ góp ý về phát triển giáo dục và cơ sở vật chất. Ngành Giáo dục Cà Mau cần phải chọn giải pháp phát triển mũi nhọn, đào tạo giáo viên theo từng cấp học, phân luồng, định hướng nghề nghiệp đối với học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho rằng, bên cạnh những khó khăn, hạn chế thì giáo dục Cà Mau vẫn có nhiều thành tựu, nhiều điểm sáng có thể phát huy, do đó cần phải đánh giá bức tranh tổng thể giáo dục Cà Mau trên cơ sở dữ liệu, có báo cáo rõ ràng. Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng giáo viên theo chương trình sách giáo khoa mới, đặc biệt là 2 môn Toán và tiếng Việt, từ đó tạo nền tảng đạo đức, tư duy con người trong giai đoạn đầu. Quan tâm đào tạo bằng hình thức trực tuyến, chuyển đổi số nhằm chia sẻ, gợi mở theo chương trình ngắn hạn; chủ yếu để trao đổi, thảo luận nhưng phải sát hạch để đánh giá chất lượng, trình độ. Vấn đề đào tạo trực tuyến, đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên cần được tính toán, do đó cần thực hiện đề án chuyển đổi số giáo dục từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi cũng cần dùng kỹ thuật công nghệ số để kết nối, nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn, làm sao có học sinh giỏi ở các trường khác chứ không riêng gì trường chuyên.

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất giao Sở GD&ĐT là đầu mối, phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ hoàn chỉnh nội dung ký kết phát triển giáo dục Cà Mau và có báo cáo hiện trạng các chỉ số phát triển của giáo dục Cà Mau trong từng giai đoạn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *