Bàn về Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Nếu triển khai ngay từ năm học 2018 – 2019 thì sẽ gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Minh Luân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Với vai trò là lãnh đạo ngành, ông nhận xét như thế nào về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD&ĐT công bố vừa qua?

Ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Sở GD&ĐT: Tại thời điểm này, chúng ta khó có thể trả lời chính xác về ưu, nhược điểm của Chương trình GDPT tổng thể; nhưng trên cơ sở của Dự thảo, có thể nói có một số ưu, nhược điểm sau: Dự thảo nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trên cơ sở phát huy và kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục hiện hành, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến. Mục tiêu của Chương trình GDPT tổng thể nhằm giúp học sinh hình thành những phẩm chất, năng lực cụ thể; giảm tính hàn lâm của kiến thức, chú trọng đến việc trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thích ứng với những thay đổi; định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng những môn học và hoạt động giáo dục cụ thể. Giảm tải được một phần các môn học nhất là ở chương trình lớp 11 và 12, học sinh được chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Chú trọng và tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh. Phân chia khá hợp lý hai giai đoạn của chương trình GDPT, gắn với yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, vừa trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng phổ thông trọng tâm, cơ bản, gắn với các hoạt động trải nghiệm, thực hành. Có sự phân hóa kiến thức theo nhiều mức độ phù hợp với năng lực.

Về hạn chế: Số môn học còn nhiều, một số môn còn có sự chồng chéo về nội dung và “mơ hồ” về tên gọi; môn học tự chọn còn ít, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS, dễ có khả năng mang tính hình thức.Chương trình đã đưa được khung tổng thể, còn chi tiết nội dung từng môn học bố trí ra sao, cụ thể hóa ra từng bài giảng, mục tiêu chuẩn kiến thức như thế nào là điều mà đội ngũ giáo viên mong đợi.

Đội ngũ giáo viên ở các cấp học hiện nay, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Trong khi đó chương trình mới tiếp cận năng lực người học buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh thay đổi cách học; nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn còn một khoảng cách khá xa. Nguồn nhân lực cho các môn học mới này đến thời điểm hiện tại chưa hề được chuẩn bị.

Cấp THCS, ở môn Khoa học tự nhiên, trước đây là 3 môn Lý – Hóa – Sinh. Môn này tích hợp vào 1 bài, hay vẫn là 3 phân môn trong 1 môn Khoa học tự nhiên chung thì chưa được làm rõ, và ai sẽ là người đứng lớp giảng dạy môn này thì chưa được chuẩn bị. Môn Khoa học tự nhiên, nếu tích hợp trong một bài thì đội ngũ giảng dạy sẽ như thế nào.

Đổi mới là rất cần thiết vào thời điểm này. Xã hội đang biến đổi từng ngày, sự phát triển của khoa học công nghệ được tính bằng từng giây, từng phút. Thế hệ học sinh ngày nay cũng khác trước rất nhiều, các em có nhiều điều kiện tiếp cận để phát triển về trí tuệ và kỹ năng tư duy. Nếu chúng ta vẫn giữ chương trình cũ, phương pháp dạy học lỗi thời thì không đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, chương trình mới có khung tổng thể, chưa bắt tay vào xây dựng nội dung môn học, chưa viết sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên tiếp cận với đổi mới, năm học 2017 – 2018 vẫn phải đang miệt mài với chương trình cũ. Do đó, nếu triển khai ngay từ năm học 2018 – 2019 thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chân dung người học mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực, mà Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể hướng đến, là nhằm xây dựng những con người mới.

Một điểm mới trong Chương trình GDPT tổng thể là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý… của địa phương. Ý kiến của ông về điểm mới này như thế nào so với tình hình thực tế của tỉnh?

Ông Nguyễn Minh Luân: Ngành Giáo dục Cà Mau đang thực hiện chương trình lịch sử, địa lý… của địa phương vào giảng dạy ở các cấp THCS, THPT theo tài liệu do những nhà giáo, nhà khoa học địa phương viết. Sở đang chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát, đánh giá việc thực hiện trong thời gian qua để có cơ sở điều chỉnh, biên soạn lại cho phù hợp.

Thời gian qua, ngành Giáo dục đã triển khai, quán triệt tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh ở các nhà trường, trong đó có việc triển khai chương trình mới sau năm 2018. Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức Hội thảo cấp tỉnh để cán bộ quản lý, giáo viên đóng góp cho bản dự thảo năm 2015, do đó về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã nhận thức được kế hoạch đổi mới chương trình GDPT.

Theo Dự thảo, cho phép các trường và giáo viên tự sắp xếp môn học, giờ học ở mỗi môn để phù hợp với điều kiện của từng trường.

Việc Hội đồng thẩm định địa phương sẽ gặp khó khăn nếu thực hiện từ năm 2018, vì chỉ còn trên dưới 1 năm, nhưng hiện nay chương trình vẫn còn trong giai đoạn lấy ý kiến của xã hội. Các tiêu chí xây dựng như thế nào; điều kiện, năng lực đội ngũ xây dựng; thời gian thẩm định và phê duyệt; giải quyết đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ thực hiện chương trình mới?…

Đối với lớp 12, nội dung giáo dục địa phương có thể xây dựng thành chuyên đề học tập cho học sinh tự chọn. Ngoài ra, theo Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, cho phép các trường và giáo viên tự sắp xếp môn học, giờ học ở mỗi môn để phù hợp với điều kiện của từng trường. Như vậy, nhà trường sẽ không phải thực hiện những quy định cứng về việc giảng dạy mỗi môn trong một tuần. Theo ông, điểm mới này có phát huy vai trò, sáng tạo của giáo viên và học sinh?

Ông Nguyễn Minh Luân: Đây là tính mở của chương trình mới, nhằm trao quyền và trách nhiệm cho địa phương chủ động triển khai kế hoạch giáo dục cho phù hợp với từng vùng miền, sẽ có tính phù hợp và tính khả thi cao hơn. Việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng chương trình, lựa chọn sách giáo khoa cùng với việc chủ động sắp xếp môn học, tiết học theo điều kiện của từng trường, là một sự đổi mới lớn về nhận thức và thực tiễn khoa học. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần phát huy vai trò chủ động và sáng tạo của người dạy và người học.

Riêng cá nhân, ông có những góp ý gì cho Dự thảo, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Luân: Hiện nay, đã và đang có rất nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình mới. Vì thế, theo tôi, Bộ phải tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những ý kiến về hạn chế, bất cập của nội dung chương trình. Xác định lại lộ trình thực hiện để địa phương chuẩn bị các điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất. Lâu nay, các đề án về giáo dục đều thực hiện thí điểm nhưng Chương trình GDPT tổng thể vô cùng lớn và quan trọng, nhưng không được thực hiện thí điểm, liệu có đảm bảo tính thực tiễn và sự thành công. Phải chăng nên thực hiện thí điểm, điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu nội dung chương trình để giảm tải ở giai đoạn cơ bản vì còn nặng nề quá (thời gian trên dưới 900 – 1.000 tiết/năm học). Các môn tự chọn, nên có nội dung sâu và phù hợp với học sinh, với nhu cầu xã hội và hội nhập. Tăng số môn tự chọn, đặc biệt ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp để tăng sự đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *