Bánh bao Chà Là – ký ức một thời sông nước Cà Mau

Bánh bao Chà Là được chọn là sản phẩm đặc trưng của xã Trần Phán.

Chiếc ghe hàng mini di động trên sông thời ấy có khá nhiều sự lựa chọn cho thực khách: Thức uống, bánh mì, trứng cút, bánh cam, bánh bông lan… thế nhưng lựa chọn đầu tiên, ưu tiên số 1 vẫn là bánh bao Chà Là. Bán bánh bao cũng là nghề mưu sinh, khởi nghiệp của nhiều gia đình lúc bấy giờ và cũng có nhiều gia đình làm giàu từ nghề này. Giờ đây khi nhắc về nó, họ kể bằng cả sự tự hào; trong hành trình mưu sinh vất vả đó, cái bánh bao Chà Là luôn đồng hành cùng họ.

Bánh bao được hấp nóng trong xửng đặt trên bếp than hồng lúc nào cũng đỏ lửa và khách thì lúc nào cũng đông đúc; bởi khi người bán giở nắp xửng, mùi thơm của bánh luôn cuốn hút và hấp dẫn, thực khách khó mà chối từ. Hương thơm, bột bánh xốp, nhân bánh đậm đà chính là đặc trưng gây “thương nhớ” trong lòng thực khách. Bánh được bán ở bến tàu Chà Là và có một cái tên riêng, phân biệt với những loại bánh bao khác – bánh bao Chà Là.

Theo tìm hiểu, người đầu tiên làm ra bánh bao Chà Là là ông Lê Bé Hai. Sau vì cuộc sống, vợ chồng ông Hai lên tận Bình Dương lập nghiệp. Vậy là bánh bao Chà Là có thời gian biệt tích. Mấy năm sau đó, vì muốn khôi phục lại nghề làm bánh bao, ông Trần Hoàng Là, hàng xóm của ông Hai, quyết định lên tận Bình Dương tìm ông Hai học nghề. Sau đó, ông Là về làm bánh bán ở bến tàu Chà Là đến nay. Ông trở thành người làm bánh bao lâu đời và uy tín, làm nên thương hiệu của bánh. Cải tiến công nghệ, đa dạng mẫu bánh, chất lượng chú trọng là tất cả nỗ lực của gia đình ông Là trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống này; hướng đến một mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả nhất.

Xe bánh bao Chà Là của chị Nguyễn Hồng Lan ở đầu lộ Lý Văn Lâm (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, đã sáng đèn hơn 10 năm nay. Cũng chính nhờ xe bánh bao này mà cuộc sống gia đình chị Lan ổn định, lo cho con ăn học, người con lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chị kể, đẩy xe ra bán lúc 15 giờ mỗi ngày, khách quen và khách vãng lai trên tuyến Quốc lộ 1A cứ mua đều đều, nhiều thực khách xa quê đã lâu, khi có dịp đi ngang nhớ mùi bánh bao Chà Là và cứ thế ghé ngang mua vài cái mà ăn một cách ngon lành.

Ông Là cho biết: “Gia đình tôi làm từ năm 2003 đến nay, thời điểm đó bánh bao rất “thịnh” bởi nhu cầu của khách là rất lớn, cả khách vãng lai lẫn khách mối đặt với số lượng nhiều. Khi giao thông đường bộ phát triển, tàu đò thưa dần thì bánh bao Chà Là cũng mất đi thị phần, nhưng danh tiếng của nó vẫn còn đó. Minh chứng là khách hàng đặt có thể hơn 1.000 cái, cao điểm mùa đám tiệc có thể gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày bình thường. Bếp bánh hằng ngày của gia đình vẫn đỏ lửa, cố định bán hơn 200 bánh mỗi ngày”. Ông Là chia sẻ kỹ thuật “gia truyền” rằng khâu quan trọng nhất chính là nhồi bột. Phải mua loại bột đặc biệt chất lượng thì bánh hấp lên mới thơm, xốp.

Theo ông kể, ngày trước tàu bè tấp nập nên mỗi ngày lò bánh nhà ông cho ra lò hơn 1.000 cái. Có lúc những người ở miệt Cần Thơ, Vĩnh Long đi du lịch rồi cũng ghé ngang đây mua bánh về làm quà. “Bây giờ người ta đi lại chủ yếu bằng xe, khách đi tàu ngày càng ít nên lượng bánh tiêu thụ cũng ít lại. Tuy vậy, gia đình tôi vẫn giữ nghề truyền thống, làm nên đặc trưng riêng của xứ sở”, ông Là tâm niệm.

Không dừng lại ở đó, bánh bao Chà Là giờ đây đã vươn xa và dần tiến tới sự bền vững của một thương hiệu khi được địa phương lựa chọn là một sản phẩm tiêu biểu của xã: Bánh bao Chà Là đã vào danh mục OCOP.

Nếu ai có dịp về thăm vùng đất cực Nam Tổ quốc, hãy một lần thưởng thức bánh bao Chà Là thơm ngon, nóng hổi. Hương vị đặc trưng ấy sẽ khiến bạn không thể quên. Hàng chục năm qua, bánh bao Chà Là đã thực sự xứng tầm với lợi thế của nó và đi xa hơn khi đã được đăng ký sản phẩm OCOP của quê hương Trần Phán – anh hùng ở xứ Đầm Dơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *