Báo động tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài

Cố tình vi phạm

Ở cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) có trên 230 phương tiện công suất 90CV trở lên. Nếu như năm 2016, trên địa bàn có 10 vụ vi phạm lãnh hải nước ngoài thì năm 2017 không có vụ vi phạm nào xảy ra. Đó là tín hiệu đáng mừng, thế nhưng chỉ trong Quý I/2018, đã có 2 vụ tàu cá ở xã Khánh Hội, với 12 thuyền viên bị Thái Lan bắt giữ, nguyên nhân do khai thác vi phạm vùng biển Thái Lan vào ngày 19 và 21/3 vừa qua.

Ông Lý Văn Hợp (Ấp 2) là chủ phương tiện mang biển kiểm soát CM 15991 TS, bị bắt vào ngày 19/3 vừa qua vẫn còn rất hoang mang khi bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào chiếc tàu đánh bắt thủy sản đã bị bắt. Hơn 10 năm làm nghề, chắt chiu dành dụm đóng được phương tiện đánh bắt xa bờ, sau 5 năm tự làm tài công thì hơn một năm nay, ông Hợp tin tưởng thuê tài công Bùi Văn Xoa (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cầm lái. Rồi hay tin phương tiện bị bắt do khai thác vi phạm vùng biển Thái Lan, ông Hợp không khỏi lo lắng khi kinh tế gia đình sắp tới không biết dựa vào đâu. Ông Hợp bùi ngùi: “Ghe ra lúc nào tôi cũng căn dặn không cho xâm nhập nước bạn, cũng nói rõ ở xã, đồn biên phòng có đi tuyên truyền hết rồi, vi phạm là mất hết. Tin tưởng tài công làm theo nên chỉ theo dõi từ xa, từ lúc mất tin tức, anh Xoa điện thoại về cho vợ nói bị Thái Lan bắt giữ, vợ anh Xoa điện thoại báo cho tôi hay, cả ghe và người đều bị bắt giữ, giờ tôi cũng không biết làm sao chuộc lại”.

Tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có hơn 1.400 phương tiện khai thác thủy sản và có hàng trăm tàu trọng tải lớn, công suất máy mạnh, có thể khai thác xa bờ dài ngày. Năm 2017, trên địa bàn Sông Đốc có 8 vụ vi phạm lãnh hải nước ngoài. Nhưng chỉ riêng trong Quý I/2018, huyện đã có 16 vụ vi phạm lãnh hải nước ngoài. Nhờ công tác tuyên truyền rộng rãi, nhân dân đã ý thức cao, chỉ còn một số ít vì lợi ích trước mắt mà mạo hiểm tính mạng và tài sản của người khác để đánh bắt sang vùng biển nước ngoài.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Phước, chủ tàu mang biển số CM 6695TS, đến nay vẫn còn bàng hoàng khi hay tin tàu bị bắt vào cuối tháng 8/2017. Cũng vì tin tưởng bạn ghe, giao ghe cho tài công cầm lái, nên phương tiện mưu sinh duy nhất của anh đã “ra đi và không bao giờ quay trở lại”, để lại biết bao khó khăn cho chủ ghe và gia đình của họ.

Vì lợi ích trước mắt mà nhiều chủ ghe, tài công đã cá cược cả tài sản và tính mạng ngư phủ khi sang vùng biển nước ngoài đánh bắt. (Ảnh minh họa).

Cần chế tài đủ mạnh

Nhiều ngư dân đã vì lợi ích kinh tế trước mắt, mặc dù đã nắm được các quy định của pháp luật, biết rõ ranh giới các vùng biển, nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Đại tá Nguyễn Đình Khương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: “Các quốc gia trong khu vực có nhiều lợi ích, quan hệ đan xen nhưng luôn ý thức về quyền lợi của nước mình trên biển nên đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của mình, trước hết là để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển theo yêu sách của họ, đồng thời bảo vệ nguồn lợi hải sản. Do vậy, các quốc gia này cũng đã ra tay rất mạnh xử lý những vụ việc ngư dân vi phạm, cá biệt thực hiện nhiều biện pháp gây sốc như đốt cháy, đánh chìm tàu thuyền, nên số lượng các vụ, số ngư dân bị bắt giữ, xử lý đã tăng lên rất nhiều so với thời gian trước”.

Theo số liệu thống kê của lực lượng cảnh sát biển, từ năm 2015 đến nay, có 1.549 tàu cá/7.328 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ.

Nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt vấn nạn tàu cá khai thác vi phạm vùng biển các nước bị bắt giữ, tất cả các tàu thuộc diện bắt buộc, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 30/6 này. Dự kiến trong tháng 4, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu sẽ có chuyến khảo sát và làm việc với tỉnh về tình hình khai thác hải sản trên biển, làm cơ sở đánh giá năng lực quản lý tàu cá, tiến tới quyết định những vấn đề liên quan đến “thẻ vàng” mà trước đó đối tác này cảnh báo khi nhập khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *