Bảo hiểm y tế – “phao cứu sinh” cho người bệnh

Bài 1: Bệnh viện – nơi chiếc thẻ Bảo hiểm y tế phát huy tối đa giá trị

Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau là nơi có những bệnh nhân phải nằm viện “dài hạn”, “nằm viện nhiều hơn ở nhà”, nhiều gia cảnh vì thế mà từ khá giả riết cũng thành nghèo; người thuộc diện khó khăn, nghèo mắc bệnh thì càng trở nên ngặt nghèo, túng quẫn… Khi ấy, chiếc thẻ BHYT đã phát huy giá trị, đồng hành cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật, giúp họ bớt gánh nặng về chi phí.

Ông Đoàn Thanh Sơn đã 23 năm đồng hành cùng vợ chiến đấu với bệnh tật.

Bà Dương Thị Yên (Ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh) mắc nhiều bệnh, đã điều trị thời gian dài từ nhiều bệnh viện tuyến trên và nay trở về địa phương, hiện điều trị tại Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Ông Đoàn Thanh Sơn, 65 tuổi, chồng bà Yên, chia sẻ: “Tôi đã đồng hành cùng bà ấy chiến đấu với bệnh tật hơn 23 năm nay. Năm 1997 đã mổ cắt phần phụ, năm 1998 phát hiện thêm bệnh tiểu đường, tim mạch và đến nay thêm căn bệnh lao phổi… Hầu như các bệnh viện có tiếng, bác sĩ giỏi khắp nơi mà nhiều người chỉ dẫn, chúng tôi đều tìm đến, số tiền chữa bệnh đã lên đến khoảng 700 – 800 triệu đồng, trong đó đã có giảm trừ bảo hiểm số tiền cũng tương đương số tiền trên; chứ không, chi phí còn cao hơn rất nhiều. Gia đình có miếng đất nông nghiệp thuộc quy hoạch, được bồi hoàn hơn 2 tỷ đồng, nay chỉ mua lại được căn nhà để ở, 1 phần trả nợ nhà nước, phần còn lại gia đình đã dốc hết để trị bệnh cho bà ấy, đến nay nguồn tài chính gần như kiệt quệ…”.

Cũng là bệnh nhân tại Khoa Nội tim mạch, hoàn cảnh bà Hồ Thị Mỹ Thoa, 58 tuổi (Ấp 4, xã Tắc Vân, TP. Cà Mau) hết sức éo le, “nằm viện rồi mới mua bảo hiểm”. Nhà thuộc diện nghèo, không đất sản xuất, có một người con trai duy nhất nhưng lại không có việc làm ổn định. Dù biết mang nhiều chứng bệnh trong người, nhưng do phải chạy gạo từng bữa, nên bà Thoa không nghĩ đến việc mua BHYT phòng thân. Nay trở bệnh, bà không còn sức gắng gượng được nữa nên bấm bụng đi khám. Tại Bệnh viện Medic Cà Mau, bà Thoa được chẩn đoán bệnh hở van tim 2 lá, bướu cổ; sau đó nhận thuốc uống trong vòng 1 tuần sẽ trở lại tái khám, với tổng chi phí khám bệnh và tiền thuốc mất hơn 3 triệu đồng – mức chi phí rất lớn đối với khả năng của gia đình bà.

Về nhà sau một tuần, bà Thoa mệt liên tục nên phải ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám lại và bác sĩ thông báo phải nhập viện, nhưng lại không có BHYT, trong khi đó chi phí cho mỗi ngày nằm viện, tiền thuốc từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Thấy hoàn cảnh bà Thoa khó khăn thực sự, bà Lưu Thị Thanh Thủy, hàng xóm bà Thoa (cũng là người phụ con trai bà Thoa chăm sóc mẹ bị bệnh) đã vận động, quyên góp xóm giềng mua cho bà Thoa BHYT. Dù rằng phải sau 1 tháng kể từ ngày mua thì BHYT mới có hiệu lực, song chiếc thẻ BHYT cũng sẽ trợ lực lớn cho bà Thoa có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong những ngày tháng còn dài phía trước.

Nhờ chiếc thẻ BHYT cho hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc và sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, vợ chồng bà Trần Thị Sà Pha (ấp Tân Điền B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) mới có thể xoay sở được tiền ăn, viện phí trong hàng chục ngày bà Pha điều trị tại Khoa Nội thần kinh. Chi phí cho mỗi ngày nằm viện, cộng tiền thuốc cũng gần 1 triệu đồng, gia đình chỉ đóng 5% tổng số tiền viện phí, cùng với việc Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện giúp bà được hỗ trợ cơm ăn hằng ngày cho bệnh nhân nghèo…, đã góp phần giúp gia đình vượt qua khó khăn, bởi cả 2 vợ chồng sống bằng nghề nhặt và thu mua phế liệu, nay bà Pha bệnh tai biến và té gãy xương đùi, chồng bà phải vào viện chăm sóc bà nên không có nguồn thu nhập.

Thông tin từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến cuối tháng 9/2019, bệnh viện tiếp nhận 98.676 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngoại trú, trong đó bệnh nhân có bảo hiểm 84.973 lượt (chiếm 86,1%); có 39.384 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh nội trú, trong đó bệnh nhân có bảo hiểm 33.091 lượt (84,1%).

Đối với bệnh nhân nội trú, cần thời gian điều trị kéo dài, nếu không có BHYT, họ phải chi số tiền khá lớn. Đặc biệt, đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nếu không có chính sách BHYT thì không ít người sẽ không có khả năng điều trị, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *