Bấp bênh vì sạt lở

Người dân bám biển để mưu sinh.

Xã Tam Giang Đông có 6 ấp với 1.397 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và một bộ phận người dân mưu sinh dưới tán rừng, chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có 2 ấp: Hố Gùi và Bỏ Hủ có dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời về nơi ở mới. Nghiêm trọng nhất là Khu tái định cư Bắc Bồ Đề (thuộc Dự án CWPD) tại địa bàn ấp Bỏ Hủ, hiện tại 70 hộ đang có nhu cầu di dời.

Ông Nguyễn Thanh Phương (ấp Bỏ Hủ) bộc bạch: “Hồi xưa thì còn có bờ bao, còn bây giờ sạt lở hết, bờ bao không giữ được, sóng đánh nước tràn vô trong nhà luôn. Mỗi năm lở từ từ, người dân ở đây sống bấp bênh lắm”.

Ngoài khu vực tái định cư ấp Bỏ Hủ, tình hình sạt lở dọc theo ven biển cũng rất nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến rừng phòng hộ và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân. Theo đánh giá của ngành chức năng, tốc độ sạt lở ăn sâu vào đất liền là 50 – 70m/năm; đồng thời, ảnh hưởng đến khu vực rừng phòng hộ xung yếu, có 19 hộ dân có đất sản xuất đã bị sạt lở bờ bao phía ven biển và số hộ bị sạt lở phần hậu ven biển 3 hộ, với diện tích 23,7ha.

Tình trạng sạt lở gây nguy hại cho rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, cho biết: “Đối với khu dân cư Bắc Bồ Đề, hiện nay do sạt lở, phía bà con cũng có nhu cầu di dời. Còn theo nhận định của chúng tôi thì trong một đến hai năm tới, chúng ta phải di dời gấp. Còn đối với khu ven biển hiện nay thì sạt lở ảnh hưởng gần 20 hộ rồi”.

Mặc dù với tốc độ sạt lở nhiều như vậy nhưng hiện nay toàn tuyến biển phía đông của tỉnh Cà Mau nói chung, xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) nói riêng vẫn chưa được triển khai thực hiện đoạn đê biển nào. Như vậy, để bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ người dân, việc xây dựng con đê biển là rất cần thiết và cấp bách.

Hiện nay, việc di dời người dân ra khỏi khu vực này vẫn đang là một vấn đề nan giải. Hầu hết những hộ dân sống những nơi có nguy cơ sạt lở có hoàn cảnh khó khăn… Trước khi có những giải pháp, chính quyền địa phương nên vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh hữu hiệu để bảo vệ nơi được xem là “đầu sóng ngọn gió” của huyện Năm Căn, nhằm hạn chế những thiệt hại đáng tiếc do mưa lớn, triều cường và sạt lở gây ra.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 48 điểm sạt lở đất, với tổng chiều dài khoảng 1.227,6m, sâu từ mép bờ kênh vào phía trong từ 2 – 20m. Sạt lở cũng làm ảnh hưởng và thiệt hại 32 căn nhà, ảnh hưởng 3,3ha đất nuôi trồng thủy sản, 707m lộ giao thông nông thôn và các công trình khác. Ước tổng thiệt hại khoảng 3.225,6 triệu đồng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *