“Bến đỗ” của phụ nữ nghèo

Nghề đan mê bồ đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.

Nghề đan mê bồ có từ nhiều đời nay tại một số xã của huyện Thới Bình. Có thời gian cứ tưởng bị mai một, nhưng phụ nữ ấp Lê Giáo âm thầm “níu giữ” nghề truyền thống này và đang từng bước tạo nên thương hiệu cho riêng mình. Trước đây, nhà nào cũng đan mê bồ, vì mê bồ được nông dân vùng ngọt sử dụng để tạo chỗ chứa lúa, nhưng từ khi chuyển dịch, chúng không còn “chỗ đứng”, chính vì thế mà người đan mê bồ cũng dần bỏ nghề.

Về xứ Biển Bạch Đông, nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Út, Tổ trưởng THT Đan mê bồ ở ấp Lê Giáo. Chị là người đầu tiên khởi xướng thành lập THT đan đát mê bồ để lưu giữ nghề truyền thống và tạo việc làm ổn định cho phụ nữ ấp. Chị Út kể: “Nghề đan mê bồ khó học lắm, vì không có thời gian nên tôi vừa đi thu mua vừa học “lóm” của các thợ đan. Lâu dần nghề đan mê bồ thấm vào máu, muốn bỏ cũng không bỏ được”.

Bình quân mỗi tháng, tổ hợp tác xuất bán hơn 5.000 tấm mê bồ cho các tỉnh và sang thị trường Campuchia.

Đầu ra của mê bồ trong thị trường tỉnh hạn chế, chị Út phải đi tìm mối từ các tỉnh bạn, thậm chí sang tận nước ngoài tìm thị trường cho sản phẩm. Gắn bó với nghề đan và thu mua mê bồ ngót 30 năm, chị Út chia sẻ: “Hồi trước khó tìm đầu ra lắm, giờ thì ổn rồi, mặt hàng mê bồ được xuất theo đường tiểu ngạch sang Campuchia, tương đối ổn định”.

THT Đan mê bồ ấp Lê Giáo đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, mỗi ngày nhân công tạo ra khoảng 400 – 500 sản phẩm. Bình quân mỗi tháng chị Út xuất bán khoảng 5.000 tấm (mê bồ ruột, mê bồ vỏ).

Một tín hiệu vui cho làng nghề đan đát là từ đầu năm 2018 đến nay, mê bồ có giá trở lại. Mê bồ ruột dài 3,4m, rộng 1m được thu mua với giá 55.000 đồng/tấm; mê bồ ruột/có giá 15.000 đồng/tấm. Bình quân, mỗi lao động có thu nhập từ 70 – 150 ngàn đồng/ngày. Nếu chị em nào đơn chiếc, không đến THT đan được thì nhận về nhà gia công. Cứ thế, THT đã giúp cho nhiều chị có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Như chị Đỗ Bích Trâm, nhân lúc chờ đưa rước con đi học, chị xin tham gia vào tổ gia công sản phẩm, mỗi ngày thu nhập thêm được 100 ngàn đồng.

Tổ hợp tác đan mê bồ là “bến đỗ”, điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo. Ảnh: TẤN ĐIỆP

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Võ Thị Trang Nhã cho biết: “Nghề đan mê bồ thu hút được nhiều lao động tại địa phương. THT góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo trên địa bàn”.

Có làng nghề đã khó, lưu giữ được làng nghề còn khó hơn. Chị Út trần tình: “Để nghề đan mê bồ ngày một phát triển, để sản phẩm của người Cà Mau vươn xa hơn nữa ra thị trường các nước trong khu vực, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, tạo điều kiện, hỗ trợ máy móc cho THT duy trì làng nghề”.

Tiếng máy chẻ âm vang, không khí lao động tại THT luôn nhộn nhịp, những miếng mê bồ được phơi nối tiếp dọc theo tuyến lộ. Đây không chỉ là tín hiệu vui cho người dân mà còn của cả chính quyền địa phương. Bà con làm nghề luôn mong giá cả ổn định để yên tâm bám nghề, ổn định cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *