Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải cấp cứu thành công sản phụ bị sa dây rốn

Mẹ con sản phụ P.K.H sau khi được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải.

Chị H. được người nhà đưa vào bệnh viện lúc 5 giờ 30 phút, ngày 28/8; bác sĩ thăm khám cổ tử cung mở 2cm, cơn gò 3 cơn/10 phút. Đến 8 giờ cùng ngày, cổ tử cung mở 4cm, sản phụ yêu cầu giảm đau ngoài màng cứng.

Lúc 8 giờ 30 phút sau khi tiêm giảm đau xong, sản phụ được theo dõi tại phòng sinh khoảng hơn 1 giờ.

Đến 9 giờ 50 phút, hộ sinh phát hiện nhịp tim thai giảm đột ngột, bác sĩ khám phát hiện sa dây rốn. Sản phụ ngay lập tức được xử trí theo đúng phác đồ và chuyển mổ cấp cứu.

Ca phẫu thuật thành công, bé gái cân nặng 3.400 gram, dây rốn quấn cổ một vòng.

Thạc sĩ bác sĩ Ong Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Sản cho biết, sa dây rốn nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong cho bé rất cao. Khoảng 300 – 400 trường hợp chuyển dạ sinh, có 1 trường hợp bị sa dây rốn.

Đây là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc khi chuyển dạ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót, bé dễ mắc tổn thương não do thiếu oxy.

Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong thời gian ngắn nhất có thể.

“Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín. Cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo về tình trạng khẩn cấp mắc sa dây rốn của sản phụ. Không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh, vì xác suất bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con rất cao. Duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà. Sau tuần thứ 38 của thai kỳ, sản phụ nên thường xuyên đến bệnh viện khám hoặc lưu trú lại viện để được xử trí kịp thời khi có chuyển dạ”, Thạc sĩ bác sĩ Ong Thanh Phong lưu ý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *