Bi – hài chuyện tang lễ thời nay!

Chính vì có những suy nghĩ như trên mà thời gian gần đây, nhiều dịch vụ mai táng ra đời, phục vụ cho gia chủ từ A tới Z. Đám tang là sự kiện chất chứa những u buồn khó tả của gia đình khi vĩnh biệt người thân, cần lắm sự lắng đọng tưởng nhớ người đã khuất. Thế nhưng, những năm gần đây, không ít gia đình có tang thuê nguyên dàn nhạc sống về ca hát. Tiếng nhạc xập xình vang lên những bài vọng cổ, những bài nhạc “không dính vào đâu” với việc tang. Hình ảnh tụng kinh, tiếng đàn cò gần như mất hút. Không biết tự bao giờ, việc ca hát trong đám tang lại trở nên không thể thiếu như hiện nay.

Múa lân tại đám tang, tạo nên sự náo nhiệt.

Tại một đám tang vùng quê, gia chủ thuê cả đội múa lân đến để “góp vui”, phản cảm hơn là họ còn diễn cả tấu hài để gây cười và kèm theo là tiếng cổ vũ inh ỏi, không khí vui vẻ hơn ngày thường. Từ trẻ em đến người lớn, ai nấy đều tò mò theo dõi, rồi phá lên cười. Dẫu biết đâu phải đám tang là phải ai oán thê lương, kẻ khóc người buồn, nhưng khi tiễn biệt người thân, sẽ rất phản cảm nếu để diễn ra cảnh hát hò biến tướng. Thời gian gần đây, từ thành thị tới nông thôn trên địa bàn tỉnh, không ít đám tang diễn ra cảnh bát nháo như vậy. Nhà có tang mở loa công suất lớn, hát hò suốt đêm. Lại có thêm tiết mục “khóc mướn” của những “ca sĩ nghiệp dư” làm cho đám tang có phần “ấm cúng”. Có những đám tang ca hát, rượu chè thâu đêm, ban đầu còn hát những bài tiễn biệt buồn nhưng khi men rượu đã lâng lâng thì nhạc trữ tình, nhạc rap đều được thể hiện trọn vẹn, kèm theo là màn nhảy nhót. Không khí đám tang lại ồn ào, náo nhiệt không khác gì một đám cưới.

Chưa hết, những hộ gia đình có điều kiện tại thành phố còn thuê hẳn vài chuyến xe chở quan tài đi “dạo phố” với kèn tây inh ỏi, vàng mã rải đầy đường, vì nghĩ đốt, rải vàng mã là cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng ở cõi âm. Thực chất, không biết người cõi âm có nhận hay không, nhưng thực tế, sau mỗi đám tang là đường đầy rác, gây mất vẻ mỹ quan, ảnh hưởng xấu đến môi trường là điều khó tránh khỏi.

Và hình ảnh Tề Thiên đại thánh được tái hiện tại đám tang miền quê.

Vẫn biết mỗi nhà mỗi cảnh, đều muốn tổ chức tang lễ khác nhau, nhưng cảnh náo nhiệt thái quá gây chú ý, tạo sự dị nghị chung, liệu có còn là đám tang? Ca hát xô bồ, ảnh hưởng đến người sống lân cận, liệu có đúng với văn hóa ứng xử văn minh, hiện đại như cách họ đang làm?

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Theo phong tục, đám tang là không thể vui; ca hát, nhảy múa là phản cảm. Dù ngành chức năng không có quy định về ca hát trong đám tang nhưng làm sao phải đúng với thuần phong mỹ tục, hướng đến nếp sống văn hóa văn minh, đời sống tinh thần phải tiến bộ”.

Dù có chế tài rõ ràng, nhưng trên thực tế chưa xử lý một trường hợp vi phạm nào. Ông Lê Minh Út, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, cho biết: “Để thực hiện tốt điều này, cần gắn chặt với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, để bình xét gia đình văn hóa. Nếu hộ nào không thực hiện tốt vấn đề này thì không xét là hộ gia đình văn hóa. Hiện, trên toàn tỉnh có 75% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 25% còn lại không được xét là có liên quan đến tiêu chí văn hóa về nếp sống. Thời gian tới, ngành chức năng cần làm nghiêm vấn đề này”.

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt Chỉ thị 27/CT-TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” và Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, mỗi người cần phải có ý thức lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện nét đẹp văn hóa cộng đồng, không phô trương, hình thức, lãng phí và phải phù hợp với điều kiện kinh tế và mối quan hệ tình cảm, xã hội của gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *