“Bí kíp” giảm nghèo hiệu quả ở Cà Mau

LTS: Nhắc đến Cà Mau – vùng đất cực nam Tổ quốc, có lẽ bạn đọc cả nước sẽ còn ấn tượng với những tít bài: “Về xã 5 không” (xã Tân Hải, huyện Phú Tân); “Đói quay quắt ở miệt rừng U Minh Hạ”, “Trở lại vùng trũng nghèo U Minh Hạ: Nhiều hộ chạy gạo từng bữa” (ở các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, huyện U Minh)… Những bài viết này cách nay đã 5 -10 năm. Là người dân địa phương, tôi có nhiều dịp trở lại những địa phương này, mừng lắm khi “Xã 5 không” giờ là xã nông thôn mới (NTM), tiến đến xã NTM nâng cao;huyện nghèo nhất Cà Mau – huyện U Minh với tỷ lệ hộ nghèo trên 25% năm 2000, nay giảm còn 3,84%; xã Khánh Lâm – xã nghèo nhất của huyện U Minh giờ đang hoàn thiện các tiêu chí, để kịp về đích xã NTM vào cuối năm nay; xã Khánh Bình Tây Bắc – xã nghèo nhất của huyện Trần Văn Thời, nay là một trong những địa phương được Tỉnh ủy Cà Mau chọn làm xã điển hình đi đầu trong công tác giảm nghèo… Báo ảnh Đất Mũi sẽ lần lượt thông tin những cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau đã làm, như là “bí kíp” giảm nghèo rất thực tế, hiệu quả và đi vào lòng dân. Tất cả góp phần “tiếp lửa” cả về vật chất, tinh thần cho dân, nhất là hộ nghèo ở vùng đất cuối trời Tổ quốc vươn lên ổn định cuộc sống.

Giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh Cà Mau có 35.451 hộ nghèo, chiếm 12,14%; đến cuối năm 2015, có 35.181 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 12,14% giảm xuống còn 3,56%, bình quân giảm 1,8%/năm. Giai đoạn 2016 – 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,94% (đầu năm 2016) xuống còn 2,52% (cuối năm 2019), bình quân giảm 1,9%/năm, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (bình quân hằng năm 1,5%/năm)… Đó là thành quả rất đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau gặt hái được sau 10 năm trong công tác giảm nghèo.

Bài 1: Truyện cổ tích ở “vùng trũng nghèo” U Minh Hạ

Những năm 2010 trở về trước, U Minh là huyện đứng đầu trong tỉnh Cà Mau về tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt năm 2000 chiếm trên 25%. Do đó, khi nhắc đến U Minh, người ta sẽ hình dung về miệt rừng nghèo khó, nước phèn pha đỏ dòng kênh, với những nông dân lam lũ, đường sá ngăn sông cách chợ. Ngày nay, U Minh đã vươn lên ngoạn mục, thoát vị trí “huyện nghèo” nhất tỉnh, những gian khó ngày ấy được thay bằng những cụm từ diễn tả: “Sức sống mới nơi đất rừng U Minh Hạ”; “Làm giàu dưới tán rừng”; “U Minh khởi sắc”… tất cả tưởng chừng như một câu truyện cổ tích, song đây lại là câu chuyện có thật, đang hiện hữu trên mảnh lắm rừng, giàu đặc sản này.

Mật ong, một đặc sản của U Minh nay đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, cũng là một trong những nguồn thu nhập khá cho người dân sống dưới tán rừng.

Đi lên từ điểm xuất phát thấp

Tôi viết bài viết này vào thời điểm huyện U Minh vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và kỷ niệm 40 năm thành lập huyện. Qua các số liệu so sánh, nhận định của lãnh đạo huyện, cùng các vị cao niên, phần nào bật rõ những đổi thay vượt bậc ở xứ rừng U Minh Hạ.

Tôi về Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh – nơi mà 10 năm trước vốn được ví là “túi nghèo”, “vùng trũng nghèo” của tỉnh, nếu như trước đây đường sá ngăn sông cách trở, phải đi bằng xuồng, thì nay những con lộ bê tông thẳng tắp, xuyên rừng đi đến nhà từng hộ dân, thương lái cũng vì thế mà len lỏi về rừng thu mua “đặc sản nhà vườn” của bà con. Tại đây, tôi gặp ông Nguyễn Thanh Liêm (Ba Liêm), cán bộ hưu trí, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông nhận định: “Đất U Minh không phụ lòng người”. Minh chứng cho điều đó là mảnh vườn hoang sơ, đầy tràm, lau sậy của ông 5 năm trước nay phủ đầy các loại cây ăn trái, đến độ thu hoạch do chính tay ông Ba Liêm cất công cải tạo, chăm sóc. Ông cũng thừa nhận rằng U Minh của 5 -10 trước rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên hầu như các nguồn vốn, sự tài trợ của mạnh thường quân cho tỉnh, thì Ủy ban MTTQ tỉnh cũng như các sở, ngành tỉnh đều ưu tiên quan tâm, chia sẻ giúp huyện nghèo U Minh. Nhưng nay, U Minh đã thay da đổi thịt, vươn lên vượt bậc về mọi mặt, dân bớt nghèo hơn trước; đất U Minh thì trở thành nơi đáng sống, mơ ước là nơi trở về sau mỗi ngày làm việc của nhiều người.

Thật vậy, vốn là một huyện vùng sâu, vùng xa cách trung tâm TP. Cà Mau gần 40km, huyện có 7 xã, 1 thị trấn thì có đến 4 xã thuộc xã Chương trình 135 giai đoạn II, 2 xã bãi ngang ven biển, có 38 ấp đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong tỉnh. Cuối năm 2015 có 5.394 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,69% so với tổng số hộ dân trong huyện (trong đó, 45 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công, 713 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, 263 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội). Bên cạnh đó, hộ dân thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản: Trong 5.394 hộ nghèo, có 569 hộ nghèo chưa tiếp cận dịch vụ y tế, 5.229 hộ nghèo chưa tiếp cận bảo hiểm y tế, 2.324 hộ nghèo chưa đạt trình độ giáo dục người lớn; 1.013 hộ nghèo chưa đạt tình trạng đi học của trẻ em, 4.028 hộ nghèo chưa đạt chất lượng nhà ở, 2.317 hộ nghèo chưa đạt diện tích nhà ở, 1.342 hộ nghèo chưa tiếp cận nguồn nước sinh hoạt, 4.340 hộ nghèo chưa có hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.052 hộ nghèo chưa sử dụng dịch vụ viễn thông, 1.417 hộ nghèo chưa có tài sản phục vụ tiếp cận thông tin…

Ông Trương Văn Tốt, 71 tuổi (Ấp 15, xã Khánh An), cho biết: “Gia đình tôi về đây lập nghiệp từ năm 2000, cầm 6,8ha đất rừng trong tay nhưng nói thật thời ấy khó khăn lắm, bởi khi đó còn trồng rừng kiểu truyền thống 10 – 12 năm mới thu hoạch một đợt, khoảng thời gian ấy phải trông cậy vào lúa, mà đất thì nhiễm phèn, cấy lúa không hiệu quả; thậm chí vùng này không khoan được giếng nước ngọt, hạn kéo dài thiếu nước sinh hoạt; lâu lâu có đợt cháy rừng thì mất tất cả… Vì thế mà cuộc sống người dân thời ấy dân hết sức khó khăn. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, chuyển dịch cơ cấu sản xuất hợp lý, đúng hướng; vận động mạnh thường quân hỗ trợ khoan giếng nước, hỗ trợ cây con giống; nhân rộng các mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích, mà người dân đã lần lượt thoát được cái nghèo, an tâm bám đất, bám rừng U Minh vươn lên”.

Với sự kỳ quyết cho công tác giảm nghèo, chỉ trong 5 năm, từ năm 2016 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với sinh kế, an sinh xã hội nhằm nâng cao mức sống người dân; đặc biệt, các chương trình giảm nghèo đã góp phần tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn về các dịch vụ xã hội cơ bản, sinh kế, cơ sở hạ tầng, từng bước giúp đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt. Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo của huyện là việc hằng năm Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban MTTQ, các cơ quan tỉnh đóng trên địa bàn huyện phụ trách, giúp đỡ các ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao và các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách. Đồng thời, địa phương tranh thủ các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, gắn với xây dựng NTM; công tác đào tạo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… Từ những hoạt động trên, qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2019, trên địa bàn huyện U Minh chỉ còn 995 hộ nghèo, chiếm 3,84%, giảm 17,85% so với năm 2016, bình quân mỗi năm giảm 4,46%. Thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 35 triệu đồng/người/năm năm 2015, nay tăng lên 50 triệu/người/năm.

Khơi trúng tiềm năng, gắn sinh kế cho dân

Huyện U Minh hội đủ tiềm năng, lợi thế là nơi có “rừng vàng, biển bạc”, thế nhưng trong quá khứ, U Minh từng được ví là “túi nghèo” của tỉnh Cà Mau. Trả lời cho câu hỏi ấy, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, thông tin: “Diện tích rừng ở huyện U Minh chiếm trên 50%, đa phần hộ nhận đất rừng thuộc diện gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người dân xứ xa về đây lập nghiệp…gần như phải bắt đầu từ con số 0. Mỗi hộ dân nhận khoán khoảng 7ha (theo quy định 70% diện tích trồng rừng, 30% diện tích trồng lúa). Trước đây, trồng rừng theo phương pháp truyền thống 10 – 12 năm mới thu hoạch, thời gian kéo dài, hiệu quả không cao, tầm 50-70 triệu/ha. Trong khoảng thời gian ấy, thu nhập của người dân phụ thuộc vào 30% diện tích trồng lúa còn lại, song do đất nhiễm phèn, trồng lúa không hiệu quả; đường sá ngăn sông cách chợ, nông sản bà con làm ra giá cả bấp bênh… dẫn đến đời sống người dân hết sức khó khăn. Bên cạnh đó là tỷ lệ hộ dân thất nghiệp do thiếu tư liệu sản xuất; hộ gia đình đông nhân khẩu nhưng ít lao động chính; hộ có thành viên bệnh tật kéo dài… là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ lệ hộ nghèo của huyện lên cao. Xác định được nguyên nhân trên, huyện đã từng bước đề ra giải pháp “khơi trúng” tiềm năng, lợi thế vốn có; quan tâm vấn đề sinh kế, giải quyết việc làm, giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Anh Dương Quốc Dũng (Ấp 15, xã Nguyễn Phích) chia sẻ: “Lúc mới về đây lập nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn; chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng rừng theo phương pháp mới – thâm canh kê liếp, kết hợp nuôi cá đồng; gác kèo ong trên cùng diện tích… Đến nay, 1,5ha rừng kê kiếp của gia đình đã được hơn 3 năm tuổi. Ngoài ra, tôi thuê thêm 3,5ha rừng gác trên 200 kèo ong, năm rồi thu về trên 200 triệu đồng/năm. Mùa mưa, không gác kèo ong, thời gian rảnh tôi chở cây thuê cho công ty, hằng tháng thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng trang trải cuộc sống; dự kiến hơn 1 năm nữa, sẽ thu về trên 200 triệu từ tiền khai thác rừng… Ở đất U Minh này, giờ đây nếu chịu khó lao động sẽ kiếm ra tiền, thay vì phải rời quê hương làm công nhân, khổ lắm”.

Rừng tràm, keo lai ở U Minh ngày nay không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, mà còn mở ra cơ hội việc làm cho nông dân nhàn rỗi, qua đó góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, ông Trần Văn Hiếu cho biết: “Công ty hiện đang quản lý 24.128,32ha đất lâm nghiệp/43.000ha (toàn huyện). Nhiều năm qua Công ty không những thực hiện tốt công tác trồng và bảo vệ rừng, mà còn góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế rừng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân dưới tán rừng. Hơn 10 năm thực hiện giao khoán đất rừng theo cơ chế mới, Công ty đã từng bước phủ màu xanh cho đất rừng U Minh Hạ, với diện tích trên 16.275ha, của 2.508 hộ dân, tập trung phát triển cây keo lai và mô hình trồng rừng thâm canh kê liếp nhằm rút ngắn thời gian khai thác, tăng năng suất, chất lượng gỗ, thu lãi 120-150 triệu/ha, tăng gấp đôi so với trồng rừng truyền thống. Trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Cà Mau những năm tiếp theo cũng đã đề cập đến việc ưu tiên phát triển cây keo lai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tập trung để cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, gắn mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Đây sẽ là cơ hội mới, giúp người dân trồng rừng ở U Minh vươn lên làm giàu. Mặc khác, cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nhàn rỗi, giúp họ tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Khi còn đương nhiệm Bí thư Huyện ủy U Minh, ông Trương Ðăng Khoa đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo trên địa bàn. Ông Khoa chia sẻ: “Ngay đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy rất kỳ quyết với công tác giảm nghèo, chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát chặt chẽ để phân loại hộ nghèo do đâu, bà con cần gì để thoát nghèo. Sau đó sẽ dồn sức, ưu tiên giúp đỡ những trường hợp hộ nghèo chăm chỉ làm ăn, có ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo thông qua các hình thức, như: Ủy thác tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay hỗ trợ việc làm, kinh doanh; các ngành đoàn thể xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả ưu tiên trong hộ nghèo để giúp họ vươn lên; giới thiệu việc làm; khuyến khích người dân có điều kiện đầu tư trồng thâm canh kê liếp, kết hợp nuôi cá đồng, trồng hoa màu, cây ăn trái nhằm tăng thu nhập. Mặc khác, những năm gần đây, huyện đã khơi trúng tiềm năng thế mạnh của rừng, kết hợp phát triển du lịch, kinh tế biển…, đưa huyện U Minh phát triển đi lên, qua đó giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch đề ra, dự kiến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,84%, cả nhiệm kỳ 2016 – 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm 18,85%. Đó là thành công rất lớn, tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà nhiệm kỳ qua”.

Những ngày về U Minh Hạ, tôi nhận thấy sự thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt và cả tư duy sản xuất của cư dân miệt rừng. Người dân linh hoạt, mạnh dạn đầu tư trồng rừng thâm canh kê liếp, thay thế những cây tràm truyền thống kém hiệu quả sang keo lai, tràm Úc; đến trồng rừng thâm canh gỗ lớn xuất khẩu. Những trà lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả, bà con tiến hành cải tạo, đưa hoa màu xuống ruộng, trên bờ trồng chuối, cây ăn trái, dưới ao nuôi cá đồng, trồng bồn bồn… Thương lái chạy xe đến tận nhà bà con thu mua nông sản, nhờ đó mà bà con có thu nhập hằng ngày, từng bước thực hiện giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chia tay xứ rừng, tôi còn nhớ rất rõ lời ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Ban Nhân dân Ấp 17, xã Khánh Thuận: “Đã qua rồi cái thời gian khó, bởi nguồn thu nhập bà con giờ đây nới hơn: Bán buồng chuối, mớ rau, cá đồng từ ruộng, vườn sau nhà là được 50 – 70 ngàn đồng; có hộ chuyên trồng hoa màu thu nhập 300 – 500 ngàn đồng/ngày, có khi cả triệu đồng, như vậy dư sức để bà con chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và có của dư của để. Lao động nhàn rỗi thì theo Công ty lâm nghiệp trồng rừng, cưa cây, chở gỗ thuê cũng được trên 200 ngàn đồng/ngày, nhất là vào đợt cao điểm khai thác rừng, nhu cầu lao động rất lớn… Từ việc đánh thức được tiềm năng, lợi thế, cán bộ và nhân dân huyện U Minh đã chứng minh được điều rằng: Nông dân nơi đây có thể làm giàu dưới tán rừng; cùng với tình đất, tình người, họ vẫn có thể bám rừng tại địa phương mà vươn lên thoát nghèo”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *