Biến tinh thần cách mạng bất khuất thành quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương!

Hào khí mùa thu lịch sử

Cà Mau là tỉnh sớm có cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại thị trấn Cà Mau, tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được thành lập. Từ tháng 1 – 10/1930, một số chi bộ đảng được thành lập, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi khắp nơi. Trong đó, nổi bật là việc cờ đỏ búa liềm và khẩu hiệu “Diệt trừ Pháp tặc”, “Cộng sản đánh Tây” xuất hiện trên sông Cà Mau, đình Tân Hưng và một số nơi trong tỉnh. Những hạt mầm cách mạng trưởng thành nhanh chóng trên đất Cà Mau. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo năm 1940 là đỉnh cao chói lọi của phong trào cách mạng tại vùng cực Nam Tổ quốc, làm chấn động bè lũ cướp nước và tay sai.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân trong tỉnh đã đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Với tinh thần quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cùng cả nước đứng lên khởi nghĩa, ngay từ những ngày 20, 21, 22/8/1945, Đảng bộ đã tổ chức các lực lượng rầm rộ xuống đường bao vây, uy hiếp tinh thần địch, tạo áp lực buộc chúng phải đầu hàng.

Trước tác động dây chuyền trong cao trào chung, ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở thị xã Bạc Liêu thành công. Ngày 25/8/1945, tại thị trấn Cà Mau, đồng chí Trần Văn Đại và Thái Ngọc Sanh lãnh đạo, tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động Cà Mau để chào mừng Mặt trận Việt Minh ra mắt và biểu dương lực lượng cách mạng quần chúng. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang thị uy, kéo đến dinh Đốc phủ Kế (Nguyễn Văn Kế, Quận trưởng Cà Mau) buộc giao chính quyền, nhưng hắn lần lữa hứa hẹn. Cơ hội không thể trì hoãn, lực lượng cách mạng kiên quyết gây áp lực và cuối cùng Cà Mau đã được bàn giao cho Ủy ban Dân tộc giải phóng Cà Mau.

Lịch sử còn ghi: Đúng 8 giờ ngày 25/8/1945, tại Sân vận động Cà Mau, nơi có lễ đài trang nghiêm với băng rôn, cờ, hoa rực rỡ, một cuộc mít tinh quy mô lớn được tổ chức; hàng ngàn người dân tới dự lễ ra mắt chính thức của Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời quận Cà Mau. Sự kiện chính trị trọng đại này đã kết thúc hơn nửa thế kỷ tồn tại của chế độ thực dân, phong kiến ở vùng đất cực Nam Tổ quốc, đưa nhân dân Cà Mau bước vào kỷ nguyên mới của độc lập, tự do.

Là nhân chứng sống đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của quê hương, đất nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Ưu (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) kể lại, thời ấy, nhà mẹ đông anh chị em, nghèo lắm, mẹ đi ở đợ cho nhà địa chủ, suốt ngày phơi mình ngoài đồng chăn trâu, ít no nhiều đói, lại bị đánh đập, hành hạ đủ điều. Mùa thu năm ấy (năm 1945), hàng ngàn người dân xã Khánh Bình cùng nhiều nơi khác kéo ra thị trấn Cà Mau tổ chức mít tinh mừng cách mạng thành công và áp đảo giải tán bọn hội tề. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, người dân thoát cảnh lầm than, từ thân phận nô lệ, mẹ và bao người dân khác trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao nhờ đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Tiếp nối truyền thống

Lịch sử cách mạng vẻ vang của Cà Mau, mỗi trang viết được tái hiện bằng xương máu và nước mắt của bao người con ưu tú, làm rạng rỡ trang sử vàng của quê hương, đất nước. Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, tỉnh Cà Mau có hơn 17.000 liệt sĩ, hơn 16.000 thương binh; đặc biệt, đã có 1.942 bà mẹ có chồng, con hy sinh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; có 20 tập thể và 51 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Tiếp nối con đường, mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau luôn đoàn kết, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, góp phần to lớn vào sự thắng lợi chung của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong thời kỳ dựng xây, đổi mới và hội nhập. Bộ mặt của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2019, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau đã có những bước chuyển khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,9% (năm 2019 tăng 7%); GRDP bình quân đầu người mỗi năm tăng 2,6 triệu đồng (năm 2019 đạt 47,1 triệu đồng/người); thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân 9%, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 6% và công nghiệp, xây dựng tiếp tục có bước phát triển khoảng 5%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, có sự đồng thuận cao của xã hội và tạo thành phong trào mạnh mẽ trong nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 34/82 xã nông thôn mới; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân tiếp tục cải thiện.

Tỉnh Cà Mau là “vựa tôm” lớn khi chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành tôm Cà Mau vẫn có nhiều lợi thế để phát triển.

Hễ đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông Quách Thanh Sử (Ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước; nhìn về lịch sử, để càng quý trọng giá trị của hòa bình. Thế hệ của ông sớm giác ngộ cách mạng, cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng, trở về cuộc sống đời thường, ông Sử tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi 2,1ha đất trồng lúa kém hiệu quả để khoanh vùng trồng cây ăn trái. Đến nay, vườn nhà ông Sử có hơn 400 gốc nhãn, vú sữa; dưới ao, ông thả nhiều loại cá; vừa khai thác du lịch vừa mang lại nguồn thu ổn định… Luôn phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, góp sức dựng xây quê hương ngày càng đẹp giàu – suy nghĩ và việc làm hiệu quả của ông Sử, cũng là của những cựu chiến binh hôm nay. Họ đã và đang sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương.

Trong năm 2020 và giai đoạn tới, Cà Mau tiếp tục phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển các ngành thế mạnh của tỉnh: Thủy sản, nông – lâm – nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu, du lịch sinh thái, du lịch biển, dịch vụ kinh tế biển… Đẩy mạnh vận động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 2,02% cuối năm 2020.

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện theo lời dạy của Bác, Đảng bộ, quân và dân Cà Mau khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tiến công, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ và vận hội mới, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *