Biểu trưng của tinh thần cách mạng kiên trung

Cách đây 80 năm, cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940 do chiến sĩ cách mạng – Nhà giáo Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo, là tiếng súng báo hiệu mở đầu cho cuộc khởi nghĩa vũ trang của Đảng bộ và quân, dân Cà Mau để giành chính quyền, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu) năm 1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định chọn ngày 13/12 hàng năm làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau.

Các di tích gắn với cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử là những điểm đến để bao thế hệ tìm hiểu về truyền thống, lịch sử đấu tranh cách mạng của con người và vùng đất Cà Mau; cũng là nơi gắn kết các hoạt động về nguồn, là biểu tượng, là sự kết tinh của tinh thần cách mạng kiên trung, đại diện cho bao người con ưu tú đã sống, chiến đấu, cống hiến hết mình vì quê hương.

Đền thờ 10 Anh hùng Liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai

Đền thờ 10 Anh hùng Liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai (Phường 9, TP. Cà Mau) là nơi thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội an nghỉ. Năm 2016, di tích được tôn tạo, trùng tu với quy mô lớn trên 8.000m². Khuôn viên rộng, đẹp, nhà trưng bày – chiếu phim với những nội dung về cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai và cuộc đời thầy giáo Phan Ngọc Hiển… Đây là công trình văn hóa truyền thống thể hiện trách nhiệm của các thế hệ hiện nay đối với những người đi trước. Đền thờ còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ.

Cây me Rạch Gốc

Di tích Cây me Rạch Gốc (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), gắn liền với dấu ấn của đồng chí Phan Ngọc Hiển. Dưới bóng mát của cây me, đồng chí Phan Ngọc Hiển chọn để tổ chức các buổi hội họp, gặp gỡ người dân trong vùng, truyền đạt những tư tưởng tiến bộ, giác ngộ nhiều thanh niên Rạch Gốc – Tân Ân theo Đảng, gầy dựng nên “những hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng tại địa phương.

Tháng 10/1935, Chi bộ xã Tân Ân được thành lập. Cây me Rạch Gốc trở thành một trong những yếu tố để tạo nên những điều kiện, tiền đề chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của ta sắp nổ ra lúc bấy giờ. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là về tổ chức lực lượng cách mạng, ngày 13/12/1940, cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi vẻ vang.

Ngày 13/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định số 1197/QĐ-UBND công nhận địa điểm Cây me Rạch Gốc là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể

Di tích căn cứ của Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể thuộc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Đây chính là khu nhà riêng của đồng chí Trần Văn Thời, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Bạc Liêu và Cà Mau), căn cứ hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy thời kháng chiến chống Pháp.

Khu vực này có địa hình hiểm trở, phía trên là rừng cây gỗ tạp và lá dừa nước bao phủ, phía dưới có nhiều kênh rạch nhỏ thông ra sông lớn, rất thuận lợi cho hoạt động bí mật. Chính nơi đây, giai đoạn từ năm 1938 – 1940, đồng chí Trần Văn Thời đã sử dụng ngôi nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp và tổ chức kết nạp nhiều đảng viên.

Tại căn cứ Lung Lá – Nhà Thể, vào ngày 26/11/1940, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ ủy, đánh giá tình hình địch, công tác chuẩn bị vũ trang của ta và kế hoạch khởi nghĩa, nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh; đồng chí Phan Ngọc Hiển được Tỉnh ủy lựa chọn là người trực tiếp chỉ huy Khởi nghĩa Hòn Khoai vào đêm 13/12/1940.

Ngày 11/6/2007, Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai

Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) được khởi công xây dựng ngày 13/12/1990. Sau nhiều lần trùng tu, nơi đây đã trở thành quần thể với nhiều công trình văn hóa: Nhà tưởng niệm, nhà thiếu nhi, thư viện, sân bóng, vườn hoa, cây cảnh, đường đi bộ…

Tượng đài vừa được trùng tu, với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Công trình thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai. Tượng đài là địa chỉ đỏ để đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tham quan học tập, rèn luyện lý tưởng, phẩm chất cách mạng, để đóng góp xây dựng quê hương.

Đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Khoai cách đất liền hơn 6 hải lý, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là một niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Cà Mau. 

Tại đây, đồng chí Phan Ngọc Hiển cùng với đồng chí Dương Văn Giai, Nguyễn Thị Quýt xây dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa chiếm Hòn Khoai. 23 giờ ngày 13/12/1940, cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển chỉ huy đã nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi, tên sếp đảo bị thương nặng chết ngay trên đảo. Lực lượng Khởi nghĩa Hòn Khoai hoàn toàn làm chủ tình hình trên đảo và nhanh chóng tiến thẳng về đất liền. Trên chiếc tàu đánh cá, đoàn quân Khởi nghĩa Hòn Khoai dựng lá cờ đỏ búa liềm và giương tấm băng mang dòng chữ: “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế muôn năm”.

Hòn Khoai được Bộ Văn hóa  – Thông tin công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 27/4/1990.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *