Bồn bồn Cái Nước: Cầu lớn hơn cung

Việc trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha/năm.

Từng một thời được coi là loài cây hoang dại, bồn bồn giờ đây đã “vươn mình” trở thành một loại đặc sản của Cà Mau. Huyện Cái Nước là địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh, với khoảng 90ha và hơn 150 hộ trồng, trong đó tập trung ở xã Tân Hưng Đông với khoảng 60ha, năng suất khoảng 3 tấn/ha/năm.

Bồn bồn dễ sống và phát triển tốt ở vùng đất này, là loại cây trồng một lần và có thể thu hoạch tới mười mấy năm, lại ít tốn công chăm sóc. Cây bồn bồn giờ đã trở thành đặc sản, nhu cầu của thị trường tăng cao theo từng năm. Không chỉ vào dịp lễ, tết mới hút hàng, mà những ngày thường, giá bồn bồn cũng ổn định ở mức cao. Giá bồn bồn tươi hiện là 30.000 – 45.000 đồng/kg, dưa bồn bồn là 55.000 – 60.000 đồng/kg. Với khoảng 6.500m2 diện tích đất dùng để trồng bồn bồn, trung bình cho thu nhập từ 400 – 500 ngàn đồng/ngày.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, những năm gần đây, nghề trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha/năm, ngoài ra người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích đất. Từ năm 2016, bồn bồn Cái Nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, sản lượng bồn bồn tiêu thụ tăng lên rõ rệt, giá trị hàng hóa nâng cao. Huyện Cái Nước đang xây dựng dự án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây bồn bồn, với diện tích 100ha.

Trước yêu cầu nâng cao giá trị cây bồn bồn cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chính quyền xã Tân Hưng Đông đã tích cực vận động cũng như tạo mọi điều kiện để Hợp tác xã (HTX) bồn bồn Đông Hưng được thành lập và phát triển ổn định, mang lại niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ của cây bồn bồn. Theo ông Đặng Việt Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX bồn bồn Đông Hưng cho biết, hiện HTX có 25 xã viên, với diện tích trồng bồn bồn hơn 30ha. Xã viên cung cấp bồn bồn tươi cho HTX có giá ổn định và cao hơn giá thị trường. Hơn nữa, xã viên còn được chia lợi nhuận từ kinh doanh theo phần trăm cổ phần. “Nhằm phát triển cũng như tìm đầu ra ổn định cho cây bồn bồn, hiện HTX đã thành lập được 2 văn phòng đại điện tại TP. Cà Mau và huyện Cái Nước. Ngoài ra, còn có các đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, cũng như thành lập các đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh, với mong muốn đưa sản phẩm bồn bồn tiếp cận thị trường trong nước và tương lai là tiến tới xuất khẩu”, ông Hưng phấn khởi.

Nghề trồng bồn bồn đã góp phần giải quyết một lượng lớn lao động nông thôn.

Hiện địa phương có 19 HTX đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có HTX Cái Bát và HTX Đông Hưng hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các thành viên, được đối tác đặt hàng 4 tấn bồn bồn/tháng. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu nhỏ nên không đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho thị trường.

Hiện nay, lãnh đạo xã Tân Hưng Đông và các HTX đều thống nhất cao quan điểm là sẽ mở rộng thị trường, ngày càng nâng cao về giá trị của cây bồn bồn, tiếp tục giúp nhân dân xã nhà có cuộc sống đi lên. Xã định hướng sẽ mở rộng diện tích bồn bồn, đồng thời mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm mạnh mẽ hơn để cây bồn bồn vươn xa hơn trong thời gian tới.

Phát huy tiềm năng của loài cây đặc sản này, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng rà soát kỹ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu của thị trường đối với chất lượng, số lượng dưa bồn bồn. Qua đó tính toán, hỗ trợ HTX Cái Bát trong việc đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu… Bên cạnh đó, chú trọng việc liên kết trồng tại các tỉnh lân cận, cải tiến kỹ thuật trồng. Phải có giải pháp hợp lý nhằm mở rộng diện tích trồng bồn bồn, đáp ứng các đơn hàng lớn của thị trường và người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phải cụ thể hóa ngay chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh bằng dự án mở rộng vùng trồng bồn bồn phù hợp với nhu cầu thị trường; hoàn thiện quy trình, kỹ thuật trồng cây bồn bồn chuyên canh, xen canh nhưng theo hướng hữu cơ; trong việc trồng và tiêu thụ phải đi theo chuỗi và nghiên cứu sử dụng phụ phẩm cây bồn bồn nhằm nâng cao giá trị loài cây này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *