Bức tranh mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trong con em dân tộc thiểu số.

Từ việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách…

Huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Đầm Dơi… là những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã và đang tiếp sức cho đồng bào Khmer vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, giải quyết cho hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Từ đồng vốn vay, gia đình ông Trần Văn Thanh, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, áp dụng mô hình đa cây, đa con đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Gia đình thương binh 4/4 Phạm Văn Tiễn ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, từ hộ khó khăn, nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách đã có điều kiện mua xuồng máy, thu mua chuối nguyên liệu, phát triển nghề ép chuối khô. Hiện tại gia đình ông Tiễn đã có cơ ngơi ổn định, con cái đều lập gia định, ổn định cuộc sống… Hộ ông Thạch Dũng ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, không có đất sản xuất, được Ngân hàng cho vay 10 triệu đồng, ông mua 4 con dê về nuôi. Sau 2 năm dê bắt đầu sinh sản, ông tiếp tục nhân giống và mở rộng đàn. Nhờ chăn nuôi thuận lợi, thu nhập của gia đình khấm khá dần lên. Qua nhiều năm tích lũy, ông đã xây được nhà và mua thêm đất để nuôi tôm ổn định cuộc sống…

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho hàng ngàn lượt hộ nghèo Khmer được vay vốn phát triển kinh tế.

Tuy nhiên vùng đồng bào Khmer Cà Mau, kinh tế – xã hội còn phát triển chậm so với tốc độ chung của tỉnh. Hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém, nhất là tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, điện, nước sinh hoạt trong một bộ phận dân cư. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, hộ nghèo, cận nghèo còn cao…

…Đến quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu

Từ thực tế đã nêu, tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, ưu tiên những công trình, dự án có tác động đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt là huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương và toàn xã hội sớm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về đất ở, nhà ở, điện, nước sinh hoạt… Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Triệu Quang Lợi cho rằng: “Các chính sách dân tộc đã và đang triển khai tạo điều kiện, cơ hội đổi đời cho đồng bào vươn lên làm giàu”.

Yên tâm về nơi ăn, chốn ở, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, và chăn nuôi thủy hải sản, gia súc… thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh giảm theo từng năm. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh, xã hội được ưu tiên thực hiện; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer được giữ gìn và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Ðoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân được tăng cường.

Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội trợ giúp; các chương trình, dự án, quỹ đầu tư và chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầu tư có hiệu quả, đúng đối tượng, qua đó từng bước đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *