Buôn lậu, tội phạm có giảm, nhưng vẫn diễn biến khá phức tạp

Thông tin trên được nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sáng ngày 23/7. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tại điểm cầu Cà Mau do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chủ trì.

Buôn lậu dầu trên biển có chiều hướng gia tăng

Thông tin từ Hội nghị cho biết, những vụ việc buôn lậu chủ yếu xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc, như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Điển hình là vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện, thu giữ 160.000 sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phát hiện, thu giữ 473kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 7 đối tượng…

Đối với tuyến biên giới Tây Nam, trọng điểm buôn lậu xảy ra tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước… Tháng 3/2020, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bắt giữ 20 tấn heo nhập lậu qua biên giới tại Long An.

Trên tuyến biên giới biển, tình hình buôn lậu cũng diễn ra khá phức tạp, tập trung chủ yếu là buôn lậu xăng dầu. Điển hình tại vùng biển Hà Tĩnh, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu mua bán trái phép gần 2 triệu lít dầu, trị giá hàng hóa trên 26 tỷ đồng.

Tại địa bàn tỉnh Cà Mau, lợi dụng tình hình có vùng biển rộng, số lượng tàu hành nghề khai thác trên biển đông, tình hình buôn lậu dầu trên biển những tháng qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ dầu năm đến nay, các lực lượng chấp pháp trên biển liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu dầu trên biển với nhiều hình thức khác nhau, ngày càng tinh vi, số lượng dầu buôn lậu ngày càng gia tăng.

Điển hình là vụ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu TG – 90214 TS chở khoảng 80.000 lít dầu D.O không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp ngày 5/3/2020  do Võ Văn Tài (thường trú tại xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) làm thuyền trưởng, diễn ra trên vùng biển Cà Mau. Trước đó, ngày 14/2, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã bắt giữ, xử lý tàu bv – 96868 TS đang hoạt động trên vùng biển Cà Mau, tịch thu 137.975 lít dầu D.O không rõ nguồn gốc, bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng.

Mới đây, vào ngày 14/7, trên vùng biển Tây Nam, lực lượng làm nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã kiểm tra, tạm giữ 1 tàu nước ngoài có tên DIAMOND Z do ông YE MIN HTUN (43 tuổi, địa chỉ: Yangon, Myanmar) làm thuyền trưởng, có hành vi mua bán hàng hóa trái phép, trên tàu có 150.000 lít dầu không rõ nguồn gốc.

Tàu TG – 90214 TS vi phạm (chở khoảng 80.000 lít dầu D.O không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, bị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ trên vùng biển Cà Mau) trên đường bị dẫn giải vào đất liền xử lý, ngày 5/3/2020.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Chính phủ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Vietnam”.

Hành vi dã man, tàn bạo hơn

Tội phạm giết người tuy có giảm, xong xảy ra nhiều vụ với hành vi dã man, tàn bạo, trong đó có 6 vụ đốt nhà để giết người, làm chết 9 người. Tình trạng bạo hành, xâm phạm phụ nữ, trẻ em gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đáng chú ý là tội phạm mua bán người tuy có giảm về số vụ, nhưng tăng 40% số đối tượng, có tính tổ chức; điển hình là vụ việc xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, phát hiện 1.996 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Đài Loan.

Các lực lượng đã triệt phá nhiều chuyên án lớn, bắt giữ đối tượng và điều tra mở rộng phát hiện thêm nhiều vụ phạm pháp hình sự, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, gây bức xúc và được dư luận quan tâm. Điển hình tại Thái Bình khi triệt phá băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cầm đầu; Đồng Nai triệt phá băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” do đối tượng Loan “cá” – Tuấn “cá” cầm đầu, bắt giữ 11 đối tượng, bắt giữ đối tượng Đặng Quang Toàn (Toàn đen) cầm đầu và 4 đối tượng.

Thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng

Nhận định tình hình thế giới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xác định, thời gian tới hàng hóa nước ngoài gian lận, giả mạo xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba để hưởng ưu đãi về thuế quan, thương mại còn tiềm ẩn phức tạp. Đối với trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung đấu tranh chống lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu và kinh doanh trong nội địa…

Đối với Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, nhận định thời gian tới hoạt động của các loại tội phạm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao và điểm nóng về tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, theo đó đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện quyết liệt. Trong đó, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, “tín dụng đen”… Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người…

Chưa phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng 96% vụ án giết người là do nguyên nhân mâu thuẫn xã hội, 80% phạm tội lần đầu. Vấn đề đặt ra là cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát hiện, xử lý vụ việc hòa giải ngay từ ban đầu, không để hậu quả đau lòng xảy ra.

“100% Trưởng công an xã đã được bố trí là công an chính quy, chuyên nghiệp, được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Đã có 28.000 công an chính quy về công tác tại các xã trong toàn quốc, tới đây sẽ tiếp tục đưa thêm khoảng 17.000 người nữa, để mỗi xã có 5 công an chính quy, đủ sức đảm đương giữ vững an ninh, trật tự xã hội cơ sở, để cho xóm, làng của chúng ta ngày thêm bình yên, vui tươi, nhiều phấn khởi, tạo nền tảng và tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao”, Đại tướng Tô Lâm thông tin.

Biểu dương sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong cuộc chiến chống buôn lậu, tội phạm những tháng đầu năm, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, thì vẫn còn tồn tại những vụ việc gây hoang mang dư luận, mang tính tàn bạo. Nguyên nhân chính vẫn là chúng ta chưa huy động sức mạnh tổng lực toàn xã hội cùng chung tay, góp sức trong chống buôn lậu, tội phạm.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, nơi nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận, hàng giả, phức tạp, kéo dài, có cán bộ bao che, tha hóa, năng lực yếu kém… thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Trung ương.

Phải chủ động, nắm bắt tình hình, có giải pháp trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại. Có giải pháp phòng ngừa xã hội, tăng cường tuần tra, nâng cao khám phá các vụ án trên các lĩnh vực, nhất là về buôn lậu, môi trường, triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm kẻ cầm đầu làm gương.

Ứng dụng công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, chống buôn lậu. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *