Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc phòng chống hạn, mặn

Tình hình trên được Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Sử Văn Minh báo cáo với Đoàn công tác UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dẫn đầu có chuyến khảo sát thực tế tình hình hạn, mặn ở địa phương, vào chiều ngày 8/1/2020.

“Đã có 81 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 6,7km. Với diễn tiến của khô hạn đang hồi khốc liệt và dự báo kéo dài đến hết tháng 4, tình hình này sẽ còn diễn ra trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Sử Văn Minh thông tin.

Các tuyến kênh kiệt nước, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất, gây thiệt hại đến công trình giao thông, nhà dân…

Theo báo cáo của huyện, tình trạng sạt lở, sụt lún đất do khô hạn các tuyến kênh diễn ra tại 9 xã vùng ngọt, trong đó nhiều nhất tại xã Khánh Hải với 14 điểm và tổng chiều dài trên 1.500m.

Đợt đại hạn lịch sử hồi năm 2015-2016, Khánh Hải cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh xảy ra tình trạng sụt lún đất trên tuyến đường ô tô về trung tâm xã, xảy ra vào ngày 21/2/2016, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho địa phương.

Trên vùng sản xuất lúa – tôm, độ mặn tăng cao đã gây thiệt hại 327,3ha, tập trung tại hai xã Lợi An và Phong Lạc. Cùng với đó, hiện có 148ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiếu nước nghiêm trọng, khả năng thiệt hại hoàn toàn là khó tránh khỏi.

Tuy tình hình không gay gắt như ở huyện Thới Bình, song huyện Trần Văn Thời hiện cũng có đến 142 hộ có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt, dự báo con số này sẽ tăng nhanh lên 780 hộ trong thời gian ngắn. Đáng quan tâm là cuộc sống của 38 hộ dân trên đảo Hòn Chuối, hiện rất cần được cung cấp nước ngọt từ đất liền khi trên đảo không có nguồn nước.

Làm việc với lãnh đạo huyện Trần Văn Thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Toàn huyện Trần Văn Thời có trên 100ha hoa màu và đây là vùng sản xuất hoa màu lớn nhất của tỉnh, tuy nhiên hiện đang thiếu nước tưới tiêu, khả năng thiệt hại tới đây là rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cử cán bộ xuống dân nắm chặt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn bà con các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm tối đa. Huyện phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; cùng với đó là chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt. Tăng cường và nâng cao cảnh giác, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *