Cá kèo chờ giá

Chị Võ Thị Tươi đã nuôi thành công hai vụ cá kèo.

Nuôi tôm công nghiệp không ổn định, một số hộ đã nhắm đến đối tượng nuôi khác, điển hình là nuôi cá kèo trong đầm tôm công nghiệp, vừa giúp bà con tận dụng tốt tiềm năng đất đai vừa có thu nhập khá. Một số hộ thì đầu tư vốn, cải tạo ao đầm mới nuôi cá kèo ngay từ đầu vì theo họ, so với nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá kèo ít rủi ro, ít tốn kém chi phí phát sinh, nhẹ công chăm sóc và lợi nhuận đảm bảo.

Gia đình anh Tô Hiền Khanh (ấp Thuận Long A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) trước đây chỉ nuôi tôm quảng canh truyền thống kết hợp sò huyết, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Đầu năm nay, gia đình anh đầu tư vốn khoanh ao với diện tích 1.200m2 nuôi thêm cá kèo công nghiệp, hiện cá kèo đạt trọng lượng 60 – 100 con/kg. Anh Khanh cho biết: “Tôi chỉ mới nuôi thử nghiệm, cá đang phát triển tốt và đã đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay giá cá còn thấp, dao động từ 60 – 68 ngàn đồng/kg, nên gia đình quyết định nuôi tiếp, chờ giá đến cuối tháng 11 âm lịch mới thu hoạch, hy vọng nhu cầu thực phẩm tết sẽ kéo giá cá kèo tăng lên”.

5 đầm cá kèo của ông Nguyễn Thanh Hà đang chờ giá để thu hoạch.

Nhận thấy lợi nhuận từ mô hình nuôi cá kèo công nghiệp mang lại tương đối cao, quan trọng là rủi ro thấp, năm nay, xã Tân Thành (TP. Cà Mau) tăng cả về diện tích và số hộ dân nuôi với 26 hộ, diện tích khoảng 21ha. Tiên phong phải kể đến ông Nguyễn Thanh Hà (Ấp 5), người đã có kinh nghiệm 7 năm nuôi cá kèo. Năm đầu tiên ông chỉ nuôi thử nghiệm 1 đầm, thấy có hiệu quả ông tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay là 5 đầm, diện tích trên 1ha. Năm 2015, ông thả 1 triệu con giống, sau 6 – 7 tháng nuôi, ông thu 20 tấn cá thương phẩm, giá bán 85 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi 600 triệu đồng. Năm nay, ông Hà thả 1,5 triệu con cá giống, hiện trọng lượng đạt 40 – 70 con/kg, ước đạt sản lượng trên dưới 30 tấn. Ông Hà cho biết: “Hiện nay, thương lái kêu giá 67 – 68 ngàn/kg, giá này tính ra cũng có lời, nhưng ít quá. Tôi quyết định kéo dài thời gian nuôi, tăng trọng lượng cá và hy vọng bán được giá như năm trước để ăn tết sung túc hơn”.

Cũng là hộ nuôi cá kèo ở Ấp 5, xã Tân Thành, chị Võ Thị Tươi cho biết: “Nuôi cá kèo dễ và nhàn, lại ít rủi ro. Chỉ lo lắng về giá cả đầu ra và chi phí con giống, thức ăn đầu vào cũng khá cao. Năm 2015, tôi thả 200 ngàn con giống, cộng thức ăn, chi phí trên 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Năm nay, tôi thả nuôi mật độ dày hơn, với 450 ngàn con, đến thời điểm này xem như được mùa, mong được giá nữa là bà con mừng lắm”.

Nhằm khuyến khích bà con chọn cây, con giống, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp trước tình hình biến đổi khí hậu, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình nuôi, sản xuất vật nuôi mới, đã qua các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật… giúp nông dân sản xuất có hiệu quả. Đối với cá kèo, nông dân cũng rất cần những kiến thức cơ bản, nhằm xử lý các loại dịch bệnh trong quá trình nuôi, đồng thời kiến nghị cấp trên liên kết tìm đầu ra, để nông dân không phải thấp thỏm chuyện “được mùa, mất giá” sau mỗi vụ nuôi….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *