Cà Mau 6 tháng đầu năm 2014: Tăng trưởng làm nền tảng hoàn thành cả nhiệm kỳ

Theo báo cáo tại Hội nghị, diện tích nuôi tôm, nhất là nuôi theo hình thức công nghiệp và quảng canh cải tiến tiếp tục tăng nhanh. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng gần 10%; từ đây giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu là thủy sản đạt trên 600 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ và đạt 56% kế hoạch năm. Theo quy luật thị trường, khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm, dự báo sẽ vượt xa mức kế hoạch đề ra là 1,5 tỷ USD.

Trên lĩnh vực sản xuất lúa có những chuyển biến khá tích cực về diện tích khi tăng lên trên 1.500ha so với cùng kỳ. Công tác trồng rừng tràm đang diễn ra với không khí nhộn nhịp; đối với khu vực rừng đước, thì đang tất bật chuẩn bị mặt bằng để đến tháng 8 năm nay sẽ ra quân trồng rừng.

Xây dựng cơ bản tăng so với cùng kỳ cả về giá trị và tỷ lệ giải ngân, thu hút đầu tư tăng cả về số dự án và vốn đầu tư. Tài chính – Ngân hàng được kiểm soát chặt và đảm bảo phục vụ cho sự nghiệp phát triển địa phương. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, nhất là việc thực hiện các chế độ chính sách, hoàn thành các dự án dân sinh. Quốc phòng – an ninh được giữ vững…

Vụ hè thu năm nay, nông dân Cà Mau xuống giống được 36,699ha, vượt 4,4% kế hoạch và tăng 33% so với cùng kỳ. Hiện các trà lúa đang phát triển tốt, nông dân tích cực chăm sóc nên lúa tăng trưởng khá nhanh, hứa hẹn đạt năng suất cao.

VẪN LÀ ĐIỆN CHO NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP!

Vẫn là những yếu tố khó khăn, gây bất lợi, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của tỉnh, dù đã có nhiều giải pháp, thực hiện đồng bộ một cách quyết liệt trong thời gian qua, tuy nhiên so với yêu cầu cũng như nhu cầu phát triển kinh tế nhanh thì còn chậm chuyển biến. Đó là điện cho nuôi tôm công nghiệp (NTCN), hệ thống thủy lợi, môi trường nước không đảm bảo, thị trường tôm nguyên liệu khó tiên lượng… dẫn đến nghề nuôi còn nhiều rủi ro, xuất hiện tình trạng thất mùa, phá sản, không khôi phục nghề nuôi cũng như chuyển sang nuôi các giống loài thủy sản khác có giá trị kinh tế thấp. Điều này cho thấy khả năng đầu tư cũng như quản lý quy hoạch, quản lý nghề nuôi cùng những phát sinh luôn trong thế bị động.

Phú Tân là một trong những địa phương có diện tích NTCN phát triển khá nóng trong những tháng đầu năm nay. Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Phước tỏ rõ sự băn khoăn, lo lắng cho nghề nuôi tôm trên địa bàn trước diễn biến của dịch bệnh tác động đến sản xuất tại địa phương, diện tích bị thiệt hại tăng nhanh liên tục trong thời gian qua. Trong 1.990ha nuôi tôm hiện có trên địa bàn thì từ đầu năm đến nay đã có trên 498ha bị dịch bệnh. Đây là con số được thống kê thông qua sự khai báo của người nuôi tôm nhằm nhận được sự hỗ trợ về hóa chất xử lý môi trường nuôi, còn thực tế khả năng sẽ cao hơn.

Đều đặn mỗi phiên họp thường kỳ hằng tháng, hằng quý, lãnh đạo các địa phương như Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời đều “kêu ca”, có khi là tha thiết mong chờ ngành điện nhanh chóng tăng công suất nguồn điện để phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản.

Nguồn lực địa phương có hạn, dù tỉnh đã sử dụng rất lớn ngân sách cho việc nâng công suất điện tại các vùng nuôi tôm, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu, bởi thực tế đã qua phần lớn là nuôi trồng ngoài quy hoạch. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát triển mới thêm 1.852ha, vượt 844ha so với kế hoạch, đưa diện tích đến nay lên con số 7.844ha. Với con số này đã vượt xa kế hoạch mà tỉnh đề ra đến năm 2015 trước đây. Với TP. Cà Mau thì khác, diện tích NTCN tuy có tăng nhưng không đáng kể, khả năng không đạt kế hoạch trong năm, ông Hồ Trung Việt – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, nguyên nhân là do nguồn điện chưa đáp ứng, đảm bảo cho nghề nuôi nên người dân còn khá e dè, chưa mạnh dạn đầu tư.

Điều này cho thấy sự cấp thiết để Cà Mau nhanh chóng thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng cho biết đây là đề án mở, mang tính định hướng tầm vĩ mô, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ và đảm bảo môi trường để phát triển bền vững, hiệu quả, lâu bền. Hiện hai đề án này đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo trình tự.

Một điều đáng lưu ý, trong khi các địa phương luôn khẳng định nghề khai thác biển ở những năm gần đây kém hiệu quả, giá đầu vào tăng cao, giá sản phẩm sau khai thác thấp dẫn đến số lượng tàu giảm dần, tuy nhiên sản lượng thì luôn được báo cáo đạt cao hơn so với kế hoạch, tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đây là vấn đề cần có sự xem xét thực tế, bởi ngay như huyện Phú Tân, chỉ khoảng 2 năm nay, địa phương này đã giảm trên 100 phương tiện khai thác, mà nguyên nhân là do hoạt động kém hiệu quả.

Nói về công suất điện cho nuôi trồng cũng như sinh hoạt, nhất là trước thực trạng điện chia hơi thiếu an toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Tiến Dũng thông tin: Bắt đầu từ năm 2015, Cà Mau sẽ được Trung ương hỗ trợ đầu tư 196 tỷ đồng từ Dự án phát triển lưới điện nông thôn và miền núi. Từ nguồn lực này, khả năng Cà Mau sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnhmột cách trọn vẹn.

Xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau đang có những chuyển biến khá tích cực với sự vào cuộc của toàn xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2014 có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

SẼ KIỂM ĐIỂM KHI CHẬM GIẢI NGÂN DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH

Việc chậm giải ngân các nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đối với các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhắc nhở liên tục và cũng đã phê bình cụ thể, tuy nhiên lâu nay vấn đề này chưa có những chuyển biến tích cực. Chỉ rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Tiến Dũng không hài lòng khi tỉnh ưu tiên sử dụng 70 tỷ đồng xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ngay từ đầu năm, danh mục đầu tư cũng đã ghi từ năm 2013, tuy nhiên đến giờ cũng chỉ có 20 tỷ đồng có hồ sơ để giải ngân, còn 50 tỷ đồng vẫn nằm đó, trong khi đây là vấn đề mang tính bức xúc liên quan, ảnh hưởng đến nhiều chương trình khác, nhất là mất dần thời cơ phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương. Bởi theo nguyên tắc sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ thì đến ngày 30-6 hằng năm, nếu dự án nào chưa được giải ngân sẽ bị rút vốn. Hiển hiện cho nguy cơ này đang rõ dần đối với các dự án xây dựng đường ô tô về trung tâm xã tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

Không hài lòng khi vấn đề này cứ diễn ra một cách… bình thường như trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ vai trò đối với các chủ đầu tư thực hiện các dự án để xảy ra tình trạng chậm giải ngân. “Không có tiền thì đi “xin”, có tiền rồi thì lại làm dây dưa, kể cả những công trình được chuyển tiếp từ năm 2013. Không thể chấp nhận thực trạng này kéo dài, cần phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi kiên quyết và đề nghị Sở Tài chính báo cáo cụ thể tình hình giải ngân các công trình xây dựng để tỉnh làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể.

Quan tâm đặc biệt đến tính hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi cho rằng đây vẫn là vấn đề ưu tiên số 1, vì chỉ khi sản xuất phát triển mang tính ổn định và bền vững, nguồn lực đóng góp từ nhân dân sẽ cao và nhiều hơn, và khi đó đương nhiên xã hội sẽ thật sự phát triển mang tính toàn diện; các địa phương cùng các ngành cần tập trung quyết liệt hơn.

Với đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, những lạc quan của các địa phương, đơn vị, cộng với quyết tâm, nên dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi dự báo khả năng năm 2014 Cà Mau sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm, tạo điền kiện và tiền đề cho năm 2015 tiếp tục phát triển ổn định, hướng đến kết thúc nhiệm kỳ với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải:

“Bên cạnh việc thực hiện những phần việc thường xuyên trong dịp hè đối với ngành Giáo dục như đào tạo chính trị, chuyên môn cho giáo viên và xây dựng, sửa chữa trường lớp; đề nghị ngành Giáo dục và các địa phương thống kê lại số lượng và chuyên môn giáo viên để có sự điều chuyển hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Cần rà soát lại các điểm trường lẻ, từ đó điều chỉnh một cách tập trung hơn vì thực tế giao thông nông thôn hiện nay đã phát triển khá rộng khắp. Tận dụng những điểm trường lẻ tổ chức mở lớp mầm non, góp phần làm tốt công tác phổ cập cho trẻ dưới 5 tuổi.

Đang vào mùa mưa, cần quan tâm kiểm tra, giám sát và làm tốt các công việc phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh trên người, nhất là đối với trẻ nhỏ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *