Cà Mau cần “đánh thức” nghề rừng

Ông Trần Văn Thức vui mừng cho biết, rừng kinh tế tại Cà Mau chủ yếu là kê liếp trồng rừng keo lai thâm canh, đang phát triển khá nhanh, hiện đã lên đến trên 17.500ha, thu lợi lớn, làm thay đổi cuộc sống lâm nghiệp. Tuy nhiên, một nghịch lý là vẫn còn một bộ phận sau khai thác không trồng lại, nhưng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết.

Theo ông Thức, vùng nguyên liệu đang mở rộng, nhưng địa phương lại không có nhà máy chế biến, dẫn đến giá trị lâm sản giảm trong 2 năm qua, diện tích khai thác cũng giảm theo.

Một vấn đề khó khăn mà địa phương đang gặp phải là việc Nhà nước quyết giữ quyền điều hành tại 2 Công ty Lâm nghiệp, từ đó sẽ khó kêu gọi được nhà đầu tư góp vốn thông qua cổ phần để xây dựng nhà máy chế biến đủ lớn nhằm sản xuất theo chuỗi. Từ đó sẽ vẫn phải mang gỗ bán ngoài tỉnh, làm giảm giá trị lâm sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử kiến nghị những nội dung liên quan đến cấp phép đất sinh hoạt cho hộ dân vùng rừng, đủ về diện tích, nhằm xây dựng nhà theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Có nhà máy đủ lớn đặt tại vùng nguyên liệu, khả năng tỉnh sẽ chế biến mỗi năm khoảng 1 triệu m3 gỗ, thu lợi lớn hơn”, ông Thức khẳng định. Thực tế năm 2018, chế biến khoảng 500.000m3 đã thu lợi gần 1 ngàn tỷ đồng.

“Trồng rừng khỏe công hơn so với trồng lúa, mà thu nhập tính theo năm không thua kém gì, thậm chí nếu trồng tràm úc cho thu nhập khá cao, gần 35 triệu đồng/ha/năm theo chu kỳ 3,5 năm thu hoạch”, ông Lê Văn Sử chia sẻ, đồng thời quan tâm cần có giống cây tốt, cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu trồng rừng đang phát triển khá nhanh tại địa phương.

Tỉnh Cà Mau thông tin đến đoàn công tác Bộ NN&PTNT những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống cháy rừng, trồng rừng ven biển, tình hình sạt lở ven biển và thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, các chính sách liên quan đến đời sống cư dân vùng rừng…

Đánh giá cao năng lực, tính chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng ở Cà Mau những năm gần đây, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao được ý thức của người dân trong vùng, cùng chung tay, góp sức bảo vệ rừng, xem đó là tài sản, gắn liền với sự sống của họ.

Ví rừng kinh tế tại Cà Mau như cô gái đẹp tuổi dậy thì đang ngủ, Thứ trưởng yêu cầu các trung tâm giống tăng cường năng lực, nhằm đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng, trong đó tập trung cho keo lai, phát huy giá trị rừng, “đánh thức” nghề rừng. Rừng được ví như vàng, nay có đầu ra, có giá trị thì phải phát huy mạnh mẽ hơn, nhưng phải có tư duy trên cơ sở tính toán, khoa học.

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích rừng trên 95.000ha, trong đó có hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *