Cà Mau: “Chạm ngõ” du lịch

Giàu tiềm năng

Cà Mau từ lâu được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi và lưu truyền bao câu chuyện về thời khai hoang, mở cõi. Đặc biệt, Cà Mau có hai hệ sinh thái về rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi đã được chuyển thành Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nhằm mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái quốc gia và quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ quốc phòng – an ninh. Khu vực rừng tràm U Minh Hạ được quy hoạch thành Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời và U Minh), nhằm mục tiêu bảo tồn, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù rừng tràm trên đất than bùn, bảo tồn tái tạo nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và các sản phẩm dưới tán rừng. Ngoài ra, căn cứ địa của chiến khu U Minh trong chiến tranh cứu nước với nhiều trận đánh oai hùng. Nguồn gốc về những truyện kể của bác Ba Phi lạc quan, yêu đời, dâng hiến cho đời những tiếng cười sảng khoái… từng là địa chỉ thú vị cho du khách thích khám phá về thiên nhiên và con người nơi vùng đất hoang sơ.

Gọi là du lịch trải nghiệm, nhưng du khách chưa được trải nghiệm đúng nghĩa, chưa được tự tay đổ rập cua, xổ tôm, bắt ba khía…

Trong chuyến khảo sát về Đất Mũi, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết: “Cà Mau có hệ thống rừng ngập mặn rất rộng lớn, có thảm thực vật, các động vật trên cạn, dưới nước phong phú, so với các rừng ngập mặn của Việt Nam thì rừng ngập mặn ở Cà Mau hấp dẫn hơn nhiều, khí hậu rất mát mẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức loại hình dịch vụ lưu trú trong rừng ngập mặn, để khách du lịch vừa thưởng thức món ngon đặc sản, vừa trải nghiệm các hoạt động trong vuông tôm, cua. Đây là thế mạnh rất lớn của tỉnh”.

Mũi Cà Mau được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đây là điều kiện lý tưởng để Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch thời gian tới.

Còn thiếu và yếu

Người Cà Mau hiền lành, chất phác, nhiệt tình, nên khi du khách đến với những điểm du lịch này, không chỉ khám phá được cách sống của người dân mà còn có cảm giác gần gũi như đang ở chính trong ngôi nhà của mình. Song, nhìn chung những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh thiếu tính nhẫn nại. Đó là lý do vì sao nhiều điểm du lịch “sớm nở, tối tàn”. Nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm trong quản lý, quảng bá hình ảnh, thiếu tính chuyên nghiệp trong thực hiện. Không tạo được nét riêng nên không đọng lại ấn tượng trong lòng du khách.

Mô hình du lịch sinh thái tại Đất Mũi hiện đang gặp phải vấn đề này, dù mới được hình thành và được đánh giá cao về tính mới mẻ, nhưng nhiều hộ đang rơi vào cảnh bế tắc. Được triển khai 8 năm nhưng đến nay chỉ có 5 hộ ở ấp Cồn Mũi “bám trụ” được với mô hình này. Tuy nhiên, muốn làm mô hình sinh thái, đòi hỏi phải có đất rộng, phải nằm sâu trong rừng; từ đó việc quảng bá mô hình du lịch gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ hộ du lịch sinh thái Ba Sú, ông Bùi Hoàng Phép trần tình: “Từ đầu năm đến nay, hộ tôi “sảy” nhiều đoàn du lịch, do chủ yếu quảng bá trên mạng, khách du lịch liên hệ đặt chỗ nơi rồi bị hộ khác “phỗng tay trên”. Như mới đây, có đoàn đến Năm Căn, họ bảo muốn đến huyện Ngọc Hiển bằng đường thủy, khi tới Đất Mũi thì chủ phương tiện đưa đoàn đến hộ làm du lịch khác. Hoặc khách đến Đất Mũi rồi hỏi thăm đường vào hộ của tôi nhưng bị “cò” dắt đi điểm khác”. Theo ghi nhận, mỗi bận “cò” đưa khách đến điểm du lịch, tùy theo số lượng khách nhiều hay ít mà chủ hộ sẽ trả “hoa hồng” cho “cò”.

Về Đất Mũi tham quan những điểm du lịch tuyệt đẹp.

Đây là thực trạng đáng báo động tại điểm du lịch Đất Mũi hiện nay. Việc chèo kéo, nâng giá sản phẩm là hình ảnh không đẹp đối với khách du lịch. Vấn đề này cần phải được chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời, tránh làm xấu đến hình ảnh du lịch và con người Cà Mau.

Trong một lần theo đoàn khảo sát các điểm du lịch gọi là trải nghiệm, nhưng trên thực tế là ngắm người dân “trải nghiệm”. Bởi trải nghiệm là do chính khách du lịch tự tay làm lấy, như đổ rập cua, xổ vuông, bắt tôm, bắt ba khía… chủ hộ có nhiệm vụ hướng dẫn. Nhưng ở đây ngược lại. Vả lại, các chủ hộ làm du lịch được đánh giá là “rất hiền”, không chủ động giới thiệu các sản phẩm du lịch tại gia cho khách nắm, đợi khi nào khách hỏi mới giới thiệu. Chị Lan Anh, một du khách cho biết: “Đợi chiều tối chủ nhà xổ tôm để tìm hiểu về cách sinh sống ở vuông tôm là như thế nào, nhưng khi chủ nhà ra xổ cống cũng không thông báo, thấy nước chảy xiết, tôi chạy ra xem thì mới hay. Tôi là người cũng am hiểu về các loại động vật vùng nước mặn, nên không hỏi nhiều, nhưng có nhiều du khách tỉnh ngoài vào du lịch thì sao? Họ không biết phân biệt giữa con tôm đất và tôm bạc ra sao. Hay con cá thòi lòi và cá kèo? Thì chủ hộ phải là người hướng dẫn, phân tích để du khách nắm được, giúp họ hiểu thêm về các loài động vật nơi vùng đất này…”.

Đành là du lịch sinh thái do nông dân đứng ra quản lý và thực hiện, nhưng cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về du lịch, phải có tính chuyên nghiệp nhưng đậm chất nông dân. Có như thế mới tạo nên tính mới mẻ, đặc trưng, tạo sự thích thú cho du khách, mới “níu chân” được du khách.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Cà Mau là rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phát triển du lịch sinh thái sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái truyền thống đặc thù. Tuy nhiên, muốn đưa du lịch trở thành điểm mạnh của tỉnh thì ngành chức năng cần phải có lộ trình và đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, về kỹ năng làm du lịch sinh thái tại các điểm du lịch; tránh tình trạng “nửa vời”, kiềm hãm tiềm năng vốn có của địa phương.

Ngày 18/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đến năm 2030. Với lộ trình đến năm 2025, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đáp ứng được các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *