Cà Mau có 440 đơn vị sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ công việc (VIC)

Năm 2017 là năm cuối thực hiện Đề án về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 – 2017 và là năm thứ hai thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 – 2018. Trong năm qua, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành kịp thời cơ chế, chính sách đãi ngộ công chức, viên chức làm công tác đảm bảo an toàn thông tin, văn bản chỉ đạo và điều hành phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh, phê duyệt các dự án, kế hoạch phát triển, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hành chính trong cải cách hành chính, công tác đảm bảo an toàn thông tin được tăng cường… do đó mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đã có sự tăng trưởng đáng kể, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cụ thể, trong năm 2017, phần mềm VIC đã triển khai mở rộng thêm cho 10 đơn vị sử dụng nâng tổng số đơn vị sử dụng là 440 đơn vị, hơn 7.000 người sử dụng.

Ngoài phần mềm Quản lý hồ sơ công việc liên thông đã tích hợp ứng dụng chữ ký số, phần mềm Một cửa điện tử cũng đã được tích hợp chữ ký số. Tính đến hết năm 2017 đã có 130 cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số do Cục cơ yếu Đảng chính quyền cấp, với tổng số là 987 chữ ký số.

Hệ thống “Một cửa điện tử” tỉnh (gồm cổng dịch vụ công chứng thông tin và phần mềm Một cửa điện tử) đã thực hiện đầu tư xong giai đoạn 3 và triển khai cho 129 đơn vị sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng biểu dương những kết quả đạt được, ứng dụng CNTT tăng hơn nhiều so với năm 2016. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như việc ứng dụng CNTT giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương không đồng đều, một số đơn vị, doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề này; việc triển khai phần mềm VIC chưa thật sự mang lại hiệu quả; việc cập nhật phần mềm sau khi xử lý xong vẫn còn nhiều hạn chế; việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn còn thấp, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt nhằm đảm bảo tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu, đảm bảo an ninh cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước; đăng tải kịp thời các thủ tục hành chính đã được ban hành, tăng cường sử dụng chữ ký số….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hơn nữa vai trò đầu mối phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo CNTT, các sở, ngành, địa phương trong phát triển CNTT, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *