Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm OCOP

Theo Đề án, mục tiêu năm 2020, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP; hoàn thiện tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh tới cấp huyện theo hướng gọn nhẹ để triển khai chương trình OCOP thường niên của tỉnh; rà soát, ban hành chính sách riêng cho chương trình; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm; hoàn thiện chương trình OCOP thường niên; xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện theo chương trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động hiệu quả; thương hiệu sản phẩm OCOP Cà Mau được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

Tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có của tỉnh Cà Mau; công nhận chứng nhận 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 10 sản phẩm đạt 3 – 4 sao; phát triển nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP và đào tạo 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 50 sản phẩm và 38 chủ thể dự kiến tham gia chương trình OCOP tỉnh.

Tại hội nghị, đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Kế hoạch và đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Cho rằng Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai chương trình OCOP ở tỉnh là tương đối chậm so với cả nước nói chung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Phó Chủ tịch nêu rõ: OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Vì vậy, cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, để tất cả cán bộ, đảng viên ở cơ sở và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu cần đạt được của chương trình OCOP. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; tăng cường phát triển các sản phẩm và nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Gắn kết chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *