Cà Mau đã mất khoảng 8.870ha rừng phòng hộ!

Cần bổ sung nguồn vốn khẩn cấp để bảo vệ đất, rừng, dân cư

Sạt lở bờ biển tại Cà Mau diễn ra quanh năm, trải dài từ Đông sang Tây. Trung bình mỗi năm mất trên 800ha đất, rừng ven biển.

Tính từ năm 2007 đến nay, Cà Mau đã mất 5.870ha đất rừng phòng hộ. Nguy cơ vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đe dọa tính mạng và tài sản của hành ngàn hộ dân trong vùng là rất cao.

Sạt lở bờ sông cũng đang có những diễn biến phức tạp, lan rộng cả về số vụ và mức độ ảnh hưởng, nhất là vào mùa mưa bão, xuất hiện nhiều tại những địa phương ven biển.

Trong 27 vị trí sạt lở đã được xác định, có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ cao, với chiều dài gần 5km, liên quan đến trên 1 ngàn hộ dân sinh sống, sản xuất, kinh doanh, cần phải di dời.

Trong các dự án kiến nghị cần bổ sung và tăng vốn hỗ trợ để Cà Mau đầu tư thực hiện các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển từ Đông sang Tây với nhu cầu khoảng 700 tỷ đồng; bổ sung vốn thực hiện đầu tư hoàn chỉnh Dự án nâng cấp đê biển Tây, đoạn Cái Đôi Vàm – Sông Đốc với tổng vốn trên 524 tỷ đồng; kè ven biển hỗ trợ khẩn cấp 300 tỷ đồng xây dựng Khu tái định cư để di dời khẩn cấp 356 hộ sống ven sông, đang có nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng.    

Chia sẻ những khó khăn của tỉnh, các thành viên trong Đoàn công tác mong muốn có và kịp thời về nguồn vốn để xử lý ngay những điểm cấp bách có nguy cơ, không thể trì hoãn vì mục tiêu bảo vệ đất, bảo vệ dân cư.

Chưa hết nỗi lo về sạt lở thì Cà Mau xuất hiện tình trạng sụt lún đất. Sạt lở thì chỉ cần có tiền là xử lý được, sụt lún thì hiện chưa có được giải pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết, Cà Mau đã xây dựng 3 dự án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ven biển từ Đông sang Tây và tại các cửa biển với tổng nguồn 1.530 tỷ đồng. Song, đến nay chỉ được Trung ương cấp 430 tỷ đồng, xây dựng được một số đoạn đê biển xung yếu, kè hộ đê tại những điểm cấp bách. Con số đầu tư còn lại khá lớn, trên 1 ngàn tỷ đồng, cần phải hỗ trợ cấp bách cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu những nội dung trọng tâm cần hỗ trợ, giúp Cà Mau ứng phó trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

3/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cũng đã thông tin tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Theo đó, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. GRDP giai đoạn 2016 – 2018 tăng bình quân 6,36%; ước đến cuối năm 2018 có 12/20 chỉ tiêu Nghị quyết đạt trên 50%, trong đó có 3/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 đang có những kết quả tích cực, đưa lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển. Trong đó, thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thông qua các mục tiêu phát triển, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Đáng chú ý là tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh qua 3 năm (2016 – 2018) đều giảm mạnh và vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04%.

Sống chung với biến đổi khí hậu

Đánh giá cao kết quả mà tỉnh đạt được trên các lĩnh vực, kéo theo tốc độ phát triển kinh tế – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống người dân từng bước được nâng lên về mọi mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Cà Mau cần xây dựng chương trình hành động, quy hoạch, lựa chọn phương án tối ưu để phát triển kinh tế biển, hướng mạnh ra biển, vì đây là lợi thế lớn của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng tác động của BĐKH đang ngày càng diễn biến phức tạp, biến đổi liên tục, tần suất ngày càng cao hơn, vì thế cần ra soát, quy hoạch lại các mục tiêu phát triển để ứng phó, thích ứng kịp thời, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển ổn định, bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội rất quan tâm đến tác động của BĐKH và đã ưu tiên dành 10 ngàn tỷ đồng cho vấn đề ứng phó trên lĩnh vực này. Trong đó, 6 tỉnh ven biển ĐBSCL được xem xét hàng đầu trong thực hiện các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông, trong đó trọng tâm là Cà Mau. Hành động, thể hiện ý chí, nhưng cũng phải sống chung với BĐKH, biến khó khăn, thách thức là cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển.

Cần thay đổi quan điểm về nguồn vay lại từ nguồn ODA. Không phải cái gì cũng phải vay lại, trong khi có những dự án không sinh lợi, ứng phó thiên tai, bảo vệ đất, dân cư thì cần xem xét lại để có cái nhìn phù hợp, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh…

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng các thành viên trong Đoàn công tác đi thị sát giải pháp công trình xây dựng kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ tại Đất Mũi và khảo sát các vị trí sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tại cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *