Cà Mau đề ra giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Phát triển kinh tế – xã hội chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chất lượng quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Khả năng cảnh báo, dự báo thiên tai, BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…

Thiên tai gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân (ảnh chụp đợt thiên tai hạn, mặn trên địa bàn tỉnh năm 2016). Ảnh: THANH MINH

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được xác định trong Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy, Chương trình số 27, ngày 19/8/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 24, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục triển khai, tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở địa phương, đơn vị mình; gắn các chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết của cấp ủy, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt; đưa kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường thành một trong những tiêu chí trong kiểm điểm, đánh giá tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu đã gây sạt lở, mất nhiều diện tích đất và ảnh hưởng đai rừng phòng hộ ven biển. Tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng nhằm hạn chế tác động xấu của thiên tai, là một trong những giải pháp Cà Mau tiếp tục chú trọng. Ảnh: THANH MINH

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác động của thiên tai, thích ứng với BĐKH. Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư, xã hội hóa cho các hoạt động ứng phó với BĐKH. Rà soát, lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH và nước biển dâng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch chuyên ngành; củng cố, xây dựng các công trình trọng điểm: Hệ thống đê, công trình thủy lợi… Chủ động di dời, sắp xếp các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nước biển dâng. Tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng nhằm hạn chế tác động xấu của thiên tai; phát động phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân.

Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Thu hút các dự án đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trong tỉnh; có giải pháp hiệu quả quản lý chặt chẽ, có kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong sản xuất; khẩn trương xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đô thị văn minh.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH và nước biển dâng; mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia thực hiện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp về ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường; thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, kết hợp huy động nguồn lực xã hội để tăng chi cho công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, khả năng ứng phó với những tác động của BĐKH, nước biển dâng. Mỗi tổ chức đoàn, hội và đoàn viên, hội viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *