Cà Mau dễ tổn thương vì mưa bão

Nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ, tuy nhiên sức chịu đựng của đê biển Tây xem ra vẫn thấp trước diễn biến bất ngờ và khó lường của đợt thiên tai vừa qua.

Năm 2009, sau khi đánh tan tác đai rừng phòng hộ, sóng biển dâng cao cuồn cuộn tiến vào gây áp lực rất lớn lên thân đê biển Tây, vốn khá mong manh, được hình thành sau cơn bão Linda (bão số 5) năm 1997. Đoạn đê đất tại Lung Ranh, Rạch Dinh (huyện U Minh) có những điểm gần như bị đứt gãy, các lực lượng vũ trang phải tiến hành kè hộ đê khẩn cấp bằng mọi biện pháp tại chỗ.

Cà Mau là vùng đất dễ tổn thương do thiên tai vì có nền đất thấp, 3 mặt giáp biển, hạ tầng và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên khi xảy ra thiên tai luôn thiệt hại nặng nề. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (áo trắng) đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí các gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai xảy ra trong tuần qua, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất…

10 năm sau, trong tuần qua, dù chỉ bị ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 3, tuy nhiên do triều cường lên cao một cách bất thường, sóng biển vượt qua kè hộ đê, tiến vào vỗ ập mái đê, làm xói mòn, phá hủy chân đê vốn có cao trình trên 3m và mặt đê được kiên cố hóa bằng       bê-tông. Những đợt sóng lớn cùng với gió mạnh đã vượt qua mặt đê, đổ sạt vào bên trong vùng ngọt hóa đang vào mùa lúa hè thu xanh mướt.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nước biển dâng cao, cùng với thời tiết cực đoan đã gây hại đến đai rừng phòng hộ, làm cho công tác bảo vệ tuyến đê biển thêm khó khăn, tốn kém, thiếu ổn định và bền vững.

Nước dâng cao, giông lốc đến bất ngờ, bờ biển, bờ sông sạt lở, nước tràn vào nhà dân làm hư hại tài sản gia đình, phá hủy vườn hoa màu, ao nuôi thủy sản… Hơn 1.000 căn nhà bị sập hoàn toàn hay tốc mái, xảy ra hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nghiêm trọng nhất tại các địa phương ven biển Tây: Thị trấn Sông Đốc và xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), hai xã Khánh Hội và Khánh Tiến (huyện U Minh).

Giải pháp kè hộ đê khẩn cấp mang tính tạm thời. Về lâu dài, Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí kiên cố hóa mái chân đê, cùng với đó kè hộ đê tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ.Đê biển Tây Cà Mau dù đã được bồi trúc, kiên cố hóa nhưng vẫn khá “mong manh” khi thiên tai ập đến.

Thống kê sơ bộ, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 2 – 7/8 đã “thổi bay” hơn 32 tỷ đồng. Tỉnh đang ra sức khắc phục hậu quả, giúp dân dựng lại nhà, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Những đoạn đê bị “tổn thương” được kè hộ đê khẩn cấp, tỉnh tiếp tục sử dụng các nguồn vốn tiến tới kè kiên cố, quyết giữ vững tuyến đê biển Tây nhằm bảo vệ hệ sản xuất sinh thái ngọt trước ảnh hưởng của thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *