Cà Mau gồng mình trong đại hạn! Bài 2: Giải pháp nào ngăn chặn sụt lún?

Bất ngờ có mặt tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết bản thân khá nôn nóng tìm giải pháp ứng phó hạn mặn, khi mà con số thiệt hại cứ tăng liên tục trong những ngày vừa qua, nhất là những gì xảy ra tại tuyến đê biển Tây. Ông rất mong muốn đưa một lượng nước mặn nhất định vào tuyến kênh ven chân đê nhằm tạo phản áp, với mục đích ngăn chặn khả năng tuyến đê biển Tây tiếp tục sụt lún lan rộng. Tuy nhiên, ông Hải cũng thông tin là lãnh đạo tỉnh đã không đồng ý với phương án này.

Trước thực tế những gì đã và đang diễn ra (xảy ra 2 vị trí sụt lún đê và đang xuất hiện dấu hiệu xảy ra sự cố tại nhiều vị trí khác), ông Hải cảnh báo, nếu sụt lún xảy ra tại vị trí đê không còn đai rừng phòng hộ (điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà mùa khô còn kéo dài), khi đó sẽ kéo theo vỡ đê, không gì có thể cứu kịp. Và chỉ cần 30 phút thì toàn vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời sẽ tràn ngập nước mặn lên tận ruộng vườn, hậu quả để lại sẽ rất khủng khiếp, khó khắc phục.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn (thứ 3 từ phải sang) khảo sát tình hình sụt lún tuyến đê biển Tây Cà Mau.

Sẽ không nhiễm mặn khi cho vào một lượng nhất định

Giải pháp được cho là “táo bạo” mà người đứng đầu chính quyền tỉnh đưa ra, không phải là ý tưởng nhất thời, mà đến từ thực tế những gì đã diễn ra. Minh chứng cụ thể điều này, theo như ông Trần Triều Tiên – Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) cho biết, trước Tết Nguyên đán 2020, do khô hạn, trên địa bàn đã xảy ra 161 vị trí sụt lún đất, diễn ra rất nhanh, liên tục. Tuy nhiên, khi một lượng nước mặn nhất định tràn vào vùng ngọt sau sự cố xảy ra tại cống Trùm Thuật hồi ngày 15/1, đã làm ổn định lòng sông vốn khô cạn trước đó. Cũng từ đó đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra sụt lún đất. “Nước mặn chỉ vào một lượng nhất định, nằm thấp dưới lòng sông, không thể xâm nhập lên đồng ruộng”, ông Tiên nêu thực tế.

Cụ thể, qua các con số đo đạc của ngành chuyên môn khảo sát tại cống Trùm Thuật Nam cho thấy, hiện tại cao trình trung bình mặt ruộng từ +0.3m đến +0.4m. Trong khi đó cao trình đáy kênh -2.5m, cao trình mực nước trong kênh (đã nhiễm mặn) là -1.6m. Như vậy, chênh lệch từ mực nước lên mặt ruộng là từ 1.9m đến 2.0m. Qua khảo sát, quan trắc ngày 20/2/2020 tại cống Trùm Thuật Nam thì độ mặn lòng kênh 17,7‰, đào đất ruộng cách mép kênh 20m, sâu 2m (mới có nước) có độ mặn 2‰. Các con số này chứng tỏ, việc thẩm thấu nước mặn vào đồng ruộng chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Đê biển Tây đã liên tiếp xảy ra hàng loạt sự cố. Tuy mang tính khẩn cấp nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn, nguy cơ vỡ đê rất cao nếu sự cố xảy ra tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ.

Cà Mau vừa có Tờ trình đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét hỗ trợ Cà Mau gần 193 tỷ đồng để phòng chống hạn hán, phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 – 2020.

Cơ sở nào để hành động?

“Với những gì thực tế xảy ra, bằng kinh nghiệm thực tiễn, tôi dám chắc thời gian tới tình hình sụt lún sẽ còn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không kịp thời xử lý tình huống”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. Tuy nhiên, theo ông, giải pháp nào thì tỉnh vẫn chưa tìm ra (?!). Điều lãnh đạo tỉnh đang trăn trở không chỉ là giải pháp xử lý những gì mà hạn hán đã gây ra cũng như ngăn chặn nguy cơ, mà còn là căn cứ vào đâu để tỉnh hành động?

Hạn hán gây nên sụt lún, mà hạn hán là do thiếu nước, thiếu nước là do lượng mưa không đủ bù đắp. Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại nêu cụ thể: Chỉ có mưa lũ, dòng chảy gây sụt lún, sạt lở đất mới gọi là thiên tai. Trong luật (Luật Phòng chống thiên tai – PV) không đề cập đến hạn hán gây sụt lún, nên rất khó làm căn cứ để Cà Mau công bố thiên tai.

Ông Sơn cũng thừa nhận, cách dùng từ được nêu trong luật thật ra chỉ mang tính “khái niệm”, nhưng đã là luật thì mang tính quy định, chúng ta không thể nào làm khác hơn, dù thực tế những gì xảy ra tại Cà Mau là thật, diễn biến tới mức kinh hoàng.

Như thế, Cà Mau cũng chỉ có thể công bố tình trạng khẩn cấp để xử lý tại một vài vị trí nhất định, trong khi hạn hán gây ảnh hưởng khắp nơi, bủa vây toàn tỉnh…

Hàng loạt vụ sụt lún đất xảy ra khá nghiêm trọng, tuy nhiên Cà Mau chưa thể công bố thiên tai để kịp thời hành động nhằm khắc phục, ngăn ngừa, vì trong luật không đề cập.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện gần 1.000 vị trí sụt lún đất với chiều dài hàng chục kilomet.Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các tổ giám định thuộc ngành Nông nghiệp, Giao thông vận tải, các địa phương tiến hành khoan sâu, vượt qua tầng đất sét, không những tại vị trí xảy ra sự cố mà trên toàn tuyến, để tìm nguyên nhân, cũng như phát hiện dấu hiệu, kịp thời cảnh báo, chủ động ngăn chặn sự cố…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *