Cà Mau gồng mình trong đại hạn!

Bài cuối: Hành động và kỳ vọng!

Dù cơn đại hạn năm nay chưa phải ở mức đỉnh điểm, nhưng những gì mà hạn hán gây ra đã vượt mốc của đại hạn lịch sử năm 2016. Điều này là thực tế, bởi hạn mặn đến sớm và dự báo sẽ còn kéo dài, sức tàn phá càng khốc liệt và chưa thể lường trước được điều gì, lúc nào.

Một đoạn đường trên đê biển Tây đứt gãy hoàn toàn do sụt lún từ ảnh hưởng của hạn hán.

Dù chậm, nhưng đã chủ động

Không thể khoanh tay đứng nhìn và chờ đợi, mà phải hành động. Cà Mau quyết định khẩn cấp di dời dân, đào kênh mới lấp kênh cũ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tiếp tục xảy ra sự cố. Cụ thể, trước mắt tỉnh sẽ sử dụng cơ giới đào một con kênh phía trong con kênh hiện hữu vốn đã khô cạn nằm song song với tuyến đê biển Tây, đoạn Đá Bạc – Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Theo nhận định, do con kênh cũ đã khô cạn vì hạn hán, cùng với việc thân đê trước đây được xây dựng trên nền đất yếu, khả năng có túi bùn phía dưới, thế nên khi con kênh không còn phản áp, kéo theo túi bùn trượt đã gây nên sự cố sụt lún, phá vỡ hoàn toàn thân đê như đã qua. Việc đào kênh mới lấp kênh cũ không những gây phản áp, đó còn tạo mái đê đủ lớn để túi bùn không thể trượt; cùng với đó là tạo nơi ăn chốn ở ổn định, tiện lợi cho cư dân ven biển; con kênh mới đủ rộng, đủ sâu sẽ là giao thông thủy quan trọng để vận chuyển hàng hóa, dẫn và trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất – huyện Trần Văn Thời, Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Phong cho biết, chính quyền cơ sở và người dân cũng đã bước đầu khắc phục những vụ trí sụt lún trên các tuyến lộ giao thông nông thôn ở những nơi có điều kiện tập kết vật tư, khôi phục lại mạch giao thông bộ cho người dân khi giao thông thủy đã bị chia cắt hoàn toàn.

Về xử lý sự cố xảy ra tại đê biển Tây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra, chỉ đạo giải quyết sự cố sụt lún công trình theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định; khẩn trương triển khai phương án khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, nhất là trong các tình huống triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/4/2020.

Hạn hán đã và tiếp tục gây hại đến nền sản xuất nông nghiệp Cà Mau. Cần thay đổi tư duy sản xuất, trước nhất là chuyển đổi mô hình, giống, để thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu.

Sẽ không còn cảnh mưa – thừa, nắng – thiếu (?!)

Cà Mau là địa phương duy nhất vùng ĐBSCL không được tiếp cận nguồn nước từ dòng Mekong, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời để sinh hoạt và sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Mưa thì ngập, mà nắng thì hạn, hai mùa thừa và thiếu nước cứ luân phiên như là một điệp khúc tác động lên mọi mặt đời sống và sản xuất của người dân. Theo đó, hệ thống thủy lợi cho vùng ngọt cũng chỉ ngăn mặn, tháo úng.

Nói về vấn đề nước phục vụ sản xuất, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gợi ý Cà Mau nên căn cứ theo lượng nước mà bố trí lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Cụ thể, chỉ nên sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu nhằm chủ động và đảm bảo về nguồn nước, vấn đề là tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, nhìn trên thực tế thì sau vụ hè thu, nước trên đồng vùng ngọt thừa cho trồng lúa, phải bơm bỏ thì không thể sản xuất được vụ màu. Mà nước bơm bỏ đầu vụ thì cuối vụ lại thiếu nước. Nghịch lý là hệ thống kênh, mương không đảm đương trữ nước cho sản xuất, mà nạo vét kênh mương lại gây nguy cơ sạt lở, sụt lún do hầu hết các tuyến đường, nhà cửa theo tập quán sinh sống đều ven sông. 

Từ đợt hạn mặn khốc liệt năm nay, hiện rất nhiều người dân địa phương đã đăng ký chuyển sang sản xuất giống lúa ST20, ST24 với lợi thế ngắn ngày, giá trị cao – điều mà Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, ông Trần Văn Dũng thông tin này, xuất phát từ hiện trạng những gì đã xảy ra tại vùng sản xuất lúa – tôm trên địa bàn đang phải gánh chịu, phần lớn thiệt hại hoàn toàn do sử dụng giống cũ là Một bụi đỏ với thời gian sinh trưởng dài ngày, khi hạn hán xảy ra, không chịu được độ mặn tăng cao, đã bị thiệt hại. Theo ông Dũng, đây là bài học không những đối với người sản xuất, mà qua đây, ngành chuyên môn, chính quyền phải có sự chủ động và quyết tâm hơn trong chuyển đổi mô hình sản xuất, trước tiên phải thay đổi nhận thức, hành động trong chuyển đổi giống lúa thích ứng trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Điều ông Dũng đề cập không chỉ có giá trị đối với vùng lúa – tôm, mà sản xuất vùng ngọt của huyện Thới Bình hay ở huyện Trần Văn Thời cũng là một thực tế cần nhìn nhận thấu đáu, để quyết tâm hành động theo tư duy mới.

“Vận động nhân dân chủ động xử lý, gia cố những vị trí sạt lở, sụt lún hoặc có nguy cơ sạt lở, sụt lún ven sông, kênh rạch, bờ bao, khuôn hộ thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của gia đình trong khả năng cho phép; sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, phương tiện của gia đình để cùng với các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý các sự cố công trình do hạn hán gây ra trên địa bàn. Chủ động di dời, sơ tán khi phát hiện nhà ở, nơi ở có dấu hiệu sạt lở, sụt lún hoặc gần các khu vực có dấu hiệu sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, đặc biệt đối với các hộ dân sinh sống ở các khu vực ven sông, ven đê biển, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản. Thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, khuyến cáo từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các phương tiện truyền thông để chủ động thực hiện…”

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải

Đã có tin vui!

Một thông tin vui mà Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chia sẻ trong chuyến về làm việc với tỉnh vừa qua là: “Sẽ khôi phục lại âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành công trình cống Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang), sẽ dẫn nước ngọt từ đây thông qua tuyến kênh xáng Chắc Băng về Cà Mau (thay vì kênh xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp như trước đây)”. Với vùng ngọt Trần Văn Thời, theo Thứ trưởng Tuấn, khi cần thiết sẽ tiếp nước ngọt cho toàn vùng này, thông qua hệ thống công trình, hoặc bơm cưỡng bức. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải thì cần xây dựng đồng thời các cống, đập ngăn mặn từ các nhánh sông liên kết với kênh xáng Chắc Băng với công trình cống sông Cái Lớn, nếu không thì dự án này sẽ kém hiệu quả, niềm vui đón dòng ngọt về với đồng đất Cà Mau sẽ vẫn phải chờ.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 20.500 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt do hạn hán. Tuy nhiên, một kỳ vọng lớn cho người dân Cà Mau là tới đây, thông qua hợp phần “Bảo vệ khu vực bờ biển vùng Bán đảo” với tổng kinh phí trên 101 triệu USD từ Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” (5 hợp phần, vốn đầu tư gần 370 triệu USD), trong đó Tiểu dự án có nhiệm vụ “tăng cường khả năng trữ nước ngọt vào mùa mưa để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện U Minh, nhằm hạn chế khai thác nước ngầm, góp phần chống sụt lún đất”, cụ thể sẽ tích trữ nước mưa, tạo nguồn và cung cấp nước sạch cho khoảng 113.780 người dân của huyện U Minh.

Cơn đại hạn 2020 chưa qua, Cà Mau vẫn đang gồng mình ứng phó. Trong khó khăn, lo sợ, len lỏi trong khô khốc của nắng hạn đã bắt đầu le lói những mát dịu bởi tin vui, thắp lên kỳ vọng!.

Thông qua nguồn vốn vay và đối ứng từ ngân sách, tới đây Cà Mau sẽ xây dựng hồ trữ nước ngọt với diện tích 60ha, dung tích hiệu ích 3,85 triệu m3 tại xã Khánh An, huyện U Minh; xây dựng nhà máy xử lý nước 12.000m3/ngày -đêm và xây dựng hệ thống cấp nước cụm dân cư tập trung 25km tại huyện U Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *