Cà Mau gồng mình trong vòng xoay ứng phó thiên tai quanh năm!

Rừng ngập Cà Mau được xếp đứng thứ 2 trên thế giới cả về diện tích và sự đa dạng sinh học. Bên cạnh phát triển tự nhiên, việc tác động thông qua hình thức trồng rừng giữ đất, lấn biển đã hình thành nên những khu rừng bạt ngàn, được công nhận là Vườn Quốc gia, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thế giới. Ảnh: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú tổ chức Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cùng cam kết, thể hiện quyết tâm trồng rừng ven biển tại Cà Mau, tại Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh ĐBSCL, ngày 20/7/2019.

Cà Mau có bờ biển dài 254km, trải rộng từ Đông sang Tây, là địa phương có bờ biển dài thứ hai trong 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước (sau Khánh Hòa). Rừng ngập Cà Mau nổi tiếng thế giới, bao đời che chắn, giữ bùn, bám đất để hình hài đất nước tiến dần ra biển lớn. Nhưng rồi…

Kinh hoàng!

… Cách nay trên 10 năm, rừng ngập Cà Mau đã bị sóng biển xâm thực trở lại, tàn phá. Và từ đó đến nay, hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển mất đi, đi cùng là diện tích đất liền sụp xuống, tan biến vào biển cả. Sóng biển tràn tới chân đê, phà hủy công trình, đe dọa đời sống người dân và sản xuất hệ sinh thái ngọt. Ven biển Cà Mau loang lổ những vết tan thương vì thiên tai. Các cửa sông ra biển như những hàm ếch, ngày càng rộng thêm, mỗi năm mất cả trăm mét đất – rừng; ngay cả tuyến đường Hồ Chí Minh cũng bị đe dọa dù nằm sâu trong những vạt rừng đước của huyện cuối cùng Ngọc Hiển.

Trước tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai, nhiều diện tích đất và rừng ven biển Cà Mau bị biến mất, gây áp lực đến hạ tầng giao thông, tác động đến mọi mặt kinh tế – xã hội địa phương…

Thiên tai đi từ phía biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng và diễn tiến kinh hoàng, làm cho mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội cư dân vùng ven biển ngày càng khó khăn hơn. Và những cuộc di dân với quyết tâm cao nhất nhằm đưa hàng trăm hộ gia đình rời khỏi đai rừng phòng hộ, vào sinh sống ổn định tại những khu tái định cư ven biển, lập nên những xóm làng trong đê, được tỉnh triển khai một cách khẩn cấp, quyết liệt.

Một điều thấy rõ rằng, thiên tai đã áp đặt lên cuộc sống của cư dân vùng ven biển, khi vốn dĩ trước đây họ sống trong các khu rừng sản xuất, rồi những cánh rừng “rất xung yếu, xung yếu” nơi tuyến đầu gục ngã, nơi ở bình yên bao đời của họ bỗng dưng trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng, rừng sản xuất giờ trở thành rừng phòng hộ rất xung yếu.

Thiên tai đã tàn phá thiên nhiên, làm cho cuộc sống cư dân ven biển ngày càng thêm khó khăn.Không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển gây áp lực trực tiếp lên thân đê, phá hủy hạ tầng, đe dọa vùng sản xuất hệ sinh thái ngọt.

Trước thực tế đó, Cà Mau xác định ứng phó thiên tai là vấn đề mang tính cấp bách, sống còn, cần hành động quyết liệt, kịp thời, liên tục, chẳng những tạo nên tính ổn định cho hiện tại mà cả tương lai.

Theo đó, đê biển mới được hình thành từ giải pháp công trình bằng bê-tông, cùng với đó là hệ thống kè mái đê kiên cố, và xa về phía biển là hệ thống kè hộ đê, vừa giảm sóng vừa giữ bùn, tạo bãi để khôi phục lại đai rừng phòng hộ. Bao công sức và hàng ngàn tỷ đồng đã đổ xuống vùng ven biển để ứng phó thiên tai, khôi phục vành đai ven biển. Thế nhưng…

Ngỡ ngàng!

Thiên tai không chỉ đến trong mùa mưa bão,mà ngay cả trong mùa khô hạn, gây áp lực rất lớn lên hệ thống thủy lợi bảo vệ vùng sinh thái ngọt bởi sự chênh lệnh khá lớn khi vùng nội đồng khô cạn hoàn toàn. Và sự cố xảy ra tại cống Trùm Thuật (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), ngày 14/1/2020, đã làm một lượng nước mặn khá lớn tràn vào vùng nội đồng, việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Huy động lực lượng dân quân tự vệ các xã trên địa bàn đắp đập ngăn nước mặn tràn vào vùng ngọt hóa.

… Vừa thoát được nỗi kinh hoàng sau mùa mưa bão khi xảy ra sự cố tại tuyến đê biển Tây (đoạn Vàm Đá Bạc – Vàm Kinh Mới thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vào trung tuần tháng 8/2019, lại thêm một sự hoảng sợ đến ngỡ ngàng khi giữa mùa khô hạn năm nay, cũng trên đoạn đê này liên tiếp xảy ra các sự cố, mà theo những cư dân cố cựu thì chưa thấy bao giờ. Không sạt một bề về phía biểnnhư trong mùa mưa bão, mà là sụt lún khá sâu, hoàn toàn mặt đê, chia cắt giao thông.

Tuyến đê biển không những bị tác động, tổn thương trong mùa mưa bão, mà ngay trong mùa khô khi liên tiếp xảy ra sự cố sụt lún tại tuyến đê biển Tây trong tháng 2/2020.

Cũng như sự cố xảy ra vào mùa mưa bão, sự cố giữa mùa khô hạn trên đê biển Tây đã “thu hút” khá đông các nhà làm công tác quản lý các cấp, kể cả các nhà khoa học, chuyên gia đến nắm tình hình, tìm nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục.

Nguyên nhân được cho là hạn hán kéo dài, làm cho tuyến kênh ven chân đê khô cạn, mất phản áp nên đất mềm dưới chân đê “trồi” ra lòng kênh, kéo theo mặt đê vốn đang trên cao so với lòng kênh khô cạn bị sụt xuống.

Hạn hán đã làm chia cắt hoàn toàn tuyến giao thông thủy, mọi giao thương phải chuyển qua bằng đường bộ, sử dụng phương tiện nhỏ, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất cho người dân.

Cơn đại hạn lịch sử năm nay đã vượt khá xa về thời gian so với đại hạn năm 2016 và chưa xác định điểm dừng, kéo theo thiệt hại sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Liên tiếp đó đây trên vùng ngọt xảy ra sự cố “kinh hoàng”, và con số thống kê thiệt hại cứ tăng lên từng ngày: Mặn xâm nhập làm lúa – tôm bị thiệt hại gần 20.000ha; trên 21.000 hộ dân không sử dụng được nước ngọt sinh hoạt dù đã “đóng đếm từng hạt mưa, chắt chiu từng giọt nước ngọt”; trên 1.000 vị trí sụt lún, trong đó có những tuyến giao thông lớn, huyết mạch, làm chia cắt các xã: Trần Hợi, Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời – địa phương được xem là “vùng rốn” sụt lún… Theo ước tính, thiệt hại do hạn hán gây ra đến cuối tháng 3 trên địa bàn tỉnh Cà Mau được tính bằng ngàn tỷ đồng.

Sông cạn, đường sụt, mọi hoạt động giao thương, lưu thông bị ngưng trệ. Nguy hiểm hơn khi 43.000ha rừng tràm U Minh Hạ, đặc biệt là trên 8.400ha rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang ở mức cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, trong trường hợp có sự cố xảy ra thì cũng không còn nước để mà cứu chữa…

Sụt lún kinh hoàng trong mùa khô hạn, Cà Mau cấp tốc mời các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về giúp địa phương tìm ra giải pháp ứng phó, ngăn chặn. Diễn biến sụt lún chưa từng có trong năm nay của Cà Mau cũng gây sự chú ý, quan tâm của giới truyền thông.

Hạn hán sẽ còn kéo dài, thiệt hại tiếp tục nhân lên. Dự báo Cà Mau sẽ còn hứng chịu một đợt thiệt hại nghiêm trọng hơn khi mùa mưa bắt đầu, vì khi đó nước mưa sẽ len vào những vết nứt (mà hầu hết các tuyến đường vùng ngọt đều rạn nứt), rãnh sụt lún, gây nên đợt sạt lở mới. Và khi ấy, mùa mưa bão sẽ lại bắt đầu, mọi âu lo tiếp tục hướng về đê biển vốn mong manh, dễ tổn thương trước những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Các cấp, các ngành luôn quan tâm và dành sự ưu tiên đặc biệt giúp Cà Mau ứng phó, chống chịu thiên tai; tuy nhiên nguồn lực chưa đủ mạnh để có thể hoạch định chiến lược mang tính tổng thể, ứng phó hiệu quả, bền vững. Ảnh: Lãnh đạo cấp Bộ và tỉnh khảo sát, đánh giá hiện trạng do thiên tai gây ra trên vùng biển Tây Cà Mau.Thiên tai ngày càng gây hại, trong đó có sự tác động của “nhân tai”, làm cho mức độ và quy mô ảnh hưởng ngày thêm nghiêm trọng, lan rộng, kéo dài…Ảnh: Con người tác động, gây hại đến tuyến đai rừng phòng hộ biển Đông.

Mảnh đất tận cùng đất nước  – Cà Mau đã phải luôn gồng mình trong vòng xoay ứng phó thiên tai quanh năm!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *