Cà Mau: Hoàn thành đóng góp dự thảo bộ luật hình sự (sửa đổi)

Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương “Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm…”. (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, Dự thảo BLHS (sửa đổi) được chuẩn bị một cách công phu; cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương “Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”.

Dự thảo đã bám sát và thể hiện tương đối đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Thể hiện tinh thần Hiến pháp về bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi để người sau khi chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đã cập nhật được đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội để có biện pháp xử lý hình sự thích đáng; phản ánh những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Xác định được tầm quan trọng của Dự thảo BLHS (sửa đổi) đối với sự phát triển của xã hội, Cà Mau đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân. Đa số các ý kiến bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với nội dung Dự thảo.

Cũng theo đánh giá của HĐND tỉnh, việc tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân còn một số khó khăn, hạn chế: Các nội dung trong Dự thảo rộng, có tính súc tích và khái quát cao, trong khi đó người dân lại ít có điều kiện nghiên cứu nên đa số thể hiện sự đồng tình, chỉ có 47.400 ý kiến đóng góp, chiếm 71,7% tổng số người được lấy ý kiến. Mặt khác, các ý kiến đóng góp chưa sâu, chưa diễn đạt được vấn đề cần đóng góp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *