Cà Mau hướng đến thành phố thân thiện với môi trường

Chỉnh trang, nâng cấp đô thị là một trong những nỗ lực của TP. Cà Mau hiện nay, hướng đến đô thị loại I vào năm 2020.

Cải thiện từ dự án nâng cấp đô thị

Trong cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ có 28/28 đô thị hội viên chính thức, thuộc 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong 1 năm qua, các đô thị hội viên đã có rất nhiều nỗ lực trong điều hành quản lý phát triển đô thị tại địa phương. Nhìn chung, các đô thị đều làm tốt công tác cung cấp nước sạch 100% trong khu vực nội thị. Tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý 100%. Những khu vực trung tâm tại các đô thị đều phủ kín hệ thống chiếu sáng, đầu tư thay thế hệ thống cũ bằng công nghệ LED nhằm tiết kiệm trên 60% lượng điện năng sử dụng. Riêng tại TP. Cà Mau đã có nhiều giải pháp trong việc tạo cảnh quan thân thiện với thiên nhiên trong địa bàn thành phố và các khu vực ngoại thành, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân khu vực ven sông trồng cây giữ đất chống sạt lở, chắn sóng, gió như dừa nước, mắm, đước… hạn chế tác động thiên nhiên, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động “dòng sông không rác”.

Cà Mau đang triển khai dự án nâng cấp đô thị nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nghèo đô thị, thông qua việc tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư thu nhập thấp (LIAs); áp dụng phương pháp đầu tư có sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án.

Dự án nâng cấp đô thị TP. Cà Mau với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, nguồn vốn vay chiếm 70%; dự án triển khai ở 8 phường nội ô và một xã cửa ngõ thành phố. Từ đó sẽ từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II, tiến tới đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2020. Đến nay, đã nâng cấp, mở rộng 200 tuyến đường/hẻm với chiều dài trên 58.000m; xây dựng mới và sửa chữa 12 điểm trường học, 8 trụ sở sinh hoạt cộng đồng… Từ kết quả này, đã có hơn 36.000 người nghèo đô thị được hưởng lợi trực tiếp và trên 155.000 người hưởng lợi gián tiếp. Dự án còn đầu tư, xây dựng mới gần 900 lô nền tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ bị tác động bởi dự án. Các hộ này, sau khi tái định cư đã được xây dựng nhà ở khang trang tại các khu tái định cư và đã góp phần thay đổi diện mạo của đô thị trẻ.

Dự án đã cải thiện bộ mặt của đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị. Sự thành công này phải kể đến sự đóng góp tích cực từ phía cộng đồng dân cư khu vực dự án; thông qua hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình tạm nơi dự án đi qua. Toàn dự án có trên 5.000 hộ bị ảnh hưởng nhà, đất; có đến 42.000 hộ tự nguyện hiến đất thực hiện dự án với tổng diện tích đất hiến là 35.700m2, tổng kinh phí gần 41 tỷ đồng.

“Điều này cho thấy, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân đối với dự án là rất lớn và rất đáng trân trọng; đây cũng là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho thành phố trong việc vận động sức dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; khi dự án phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân và kết hợp tốt với công tác tuyên truyền, vận động sẽ tạo sự đồng thuận hưởng ứng cao trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Sự đồng thuận này cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của dự án Nâng cấp đô thị”, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Cà Mau, Bùi Tứ Hải chia sẻ.

Cùng với các thành phố lớn trong cả nước, Cà Mau đang dần hướng đến “Thành phố thân thiện với môi trường”.

Giải pháp cho mục tiêu lớn

Quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, đảm bảo mọi khu vực chức năng có quỹ đất để xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tương xứng với lượng chất thải phát sinh. Minh chứng, Cà Mau đã đầu tư hàng loạt hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống xử lý môi trường, công viên cây xanh, hệ thống tập kết xử lý rác sinh hoạt, chất thải nguy hại. Ngoài ra, TP. Cà Mau cũng đã đáp ứng các yêu cầu về giao thông để phục vụ cho các sinh hoạt về kinh tế, cấp thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Quy hoạch, phân bố những khu vực chức năng chuyên biệt, không lẫn vào nhau cũng là một nỗ lực của thành phố: Sắp xếp bố trí riêng biệt các khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại, khu công cộng, chú ý không gian sinh hoạt cho cộng đồng.

Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ thống cấu trúc xanh đô thị; song song đó là công tác bảo vệ không gian xanh đô thị; tạo sự tương tác giữa con người và cảnh quan thiên nhiên.

Thời gian qua, hiện trạng nước sông của TP. Cà Mau cho thấy nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm hữu cơ và chất rắn lơ lửng cao, dòng chảy bị ảnh hưởng và bồi lắng với tốc độ nhanh. Mức độ ô nhiễm rõ rệt ở đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hòa Trung, kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu, kênh Thống Nhất, kênh Ba Khoanh, Kênh Mới, sông Cái Nhúc. Nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đặc biệt là sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất của các huyện lân cận.

Mới đây, tại Hội thảo giải pháp ứng dụng công nghệ cải thiện chất lượng nước sông khu vực nội ô TP. Cà Mau, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Công ty CP cấp nước Cần Thơ, các doanh nghiệp lĩnh vực cấp thoát nước và các sở ngành tỉnh có liên quan đã có nhiều tham luận xoay quanh hai nội dung chính là: Hiện trạng chất lượng môi trường nước sông đô thị Cà Mau; giải pháp ứng dụng công nghệ cải thiện chất lượng nước sông khu vực nội ô TP. Cà Mau.

Chia sẻ về hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, ông Dương Thanh nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau, chia sẻ: Nhiều năm qua, Công ty thực hiện nhiệm vụ vớt rác trên sông với tổng chiều dài tuyến 6km, 2 tàu chạy luân phiên với số lượng rác từ hơn 7m3/ngày; những tháng đầu năm nay, công ty đã chủ động tăng tần suất vớt rác hàng ngày. Đây chỉ là giải pháp cho hiệu quả tạm thời, vấn đề căn cơ vẫn là ý thức của người dân. Tới đây, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong lĩnh vực này. Thiết lập đường dây nóng để huy động nguồn lực to lớn trong cộng đồng dân cư cùng góp phần theo dõi, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.

PGS-TS. Nguyễn Võ Châu Ngân, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Cà Mau nên quản lý môi trường dựa vào cộng đồng. Đây là giải pháp cốt lõi để bảo vệ môi trường kênh rạch.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Quân khẳng định: Những tham luận của các nhà khoa học sẽ là cơ sở quan trọng để ngành tham mưu, đề xuất tỉnh những giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã qua của hệ thống nước sông khu vực nội ô TP. Cà Mau.

Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, TP. Cà Mau được xác định là đô thị hạt nhân vùng đô thị Tây Nam, vùng kinh tế trọng điểm và là một trong ba đô thị động lực của tỉnh; cùng với sự quan tâm của Trung ương và địa phương, đó là những nhân tố thúc đẩy TP. Cà Mau phát triển nhanh, đồng bộ để đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *