Cà Mau: Nỗ lực xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài

Hàng trăm suất học bổng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp thêm động lực cho các em thực hiện ước mơ đến trường.

Công tác phổ cập giáo dục (GD) được các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương, đơn vị quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn để triển khai thực hiện. Chất lượng phổ cập GD được củng cố vững chắc và nâng dần tỷ lệ từng năm; các trường học, trung tâm đào tạo luôn đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác xóa mù chữ với nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời; thực hiện tốt Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường; tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập GD, bổ túc văn hóa; phân công cán bộ chủ chốt của xã, phường, thị trấn cùng với đội ngũ giáo viên tiểu học, giáo viên ở các trung tâm học tập cộng đồng, cán bộ chuyên trách phổ cập GD vận động người mù chữ học tập. Bên cạnh đó, huy động lực lượng bộ đội Biên phòng, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tham gia công tác xóa mù chữ trong cộng đồng dân cư. Các trung tâm GD nghề nghiệp huyện, thành phố, trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn cùng tham gia thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho mọi người.

Tỉnh đã ban hành Đề án về nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Theo đó, đã tổ chức các lớp tin học, ngoại ngữ trình độ A, B, C cho cán bộ, công chức cấp tỉnh; tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong kế hoạch đào tạo sau đại học; tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu (chuẩn A2, B1) cho cán bộ, công chức các sở, ban ngành cấp tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học ngoại ngữ chủ yếu theo loại hình chứng chỉ A, B, C. Nhu cầu học tập nâng cao trình độ về tin học, ngoại ngữ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tăng theo từng năm. Hoạt động tự học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ thông qua công cụ Internet ngày càng phổ biến rộng rãi. Các trung tâm, cơ sở tin học, ngoại ngữ phát triển mạnh mẽ, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động, bồi dưỡng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho mọi người tham gia học tập.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân ở nông thôn. Trung bình mỗi năm đào tạo, dạy nghề trên 35.000 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo dạy nghề lên 55,6%… Đồng thời tạo được sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Hội Khuyến học (KH) các cấp quan tâm công tác KH, khuyến tài, vận động toàn dân học tập. Cơ cấu tổ chức Hội KH các cấp được củng cố và phát triển. Đến hết năm 2016, tổ chức Hội KH đã phát triển mạnh mẽ và rộng lớn, gồm có Hội KH tỉnh; Hội KH 9/9 huyện, thành phố; Hội KH cơ sở của 101 xã, phường, thị trấn; có trên 100 ngàn hội viên, 1.557 chi hội KH, 519 ban KH và 26 chi hội KH cơ quan, ban, ngành, đơn vị…

Các cấp Hội KH đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể đẩy mạnh phong trào học tập để nâng cao trình độ dân trí, tay nghề, nâng cao đời sống cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát động đăng ký mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” gắn việc phát triển phong trào KH, khuyến tài… xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục động viên, khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và các đối tượng có nhu cầu được tham gia học tập – học tập suốt đời để mở mang kiến thức… Đẩy mạnh hoạt động phát triển tổ chức Hội ở cơ sở, nhất là chi hội khóm, ấp và các trường học. Đặc biệt chú trọng công tác vận động các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, mạnh thường quân hỗ trợ các điều kiện vật chất để giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vươn lên học tập.

Thực hiện Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, cộng đồng, dòng họ đến năm 2020”, các cấp Hội KH tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở tổ chức triển khai các nội dung học tập đa dạng, phong phú như: Nâng cao kiến thức văn hóa, giáo dục pháp luật, kiến thức khoa học về trồng trọt, chăn nuôi, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân số – kế hoạch hóa gia đình… đảm bảo thông tin kịp thời, thiết thực đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.

Với phương châm “Cần gì – học nấy”, các cấp ủy đảng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo hoạt động trung tâm học tập cộng đồng. Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức hàng trăm cuộc, các buổi giáo dục pháp luật, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tư vấn kỹ thuật trồng cây, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… với hàng chục ngàn lượt người tham dự. Hằng năm, các trung tâm đều chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương nhằm nâng cao trình độ dân trí, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Thực hiện xã hội hóa công tác KH, khuyến tài, với vai trò nòng cốt của Hội KH đối với công tác KH, khuyến tài: Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã huy động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ KH, khuyến tài nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh nghèo vươn lên trong học tập, hiện thực ước mơ đến trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng GD, đào tạo toàn diện. Các ngành chuyên môn tham mưu chính quyền các cấp đẩy mạnh hoạt động triển khai chủ trương xã hội hóa GD, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ dạy và học; vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ KH, khuyến tài của tỉnh.

Trong những năm qua, Hội KH các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể, Hội Cha mẹ học sinh hỗ trợ tài năng trẻ, học sinh nghèo hiếu học, học sinh đạt các danh hiệu thi đua…, đã tặng 30.502 suất học bổng, tổng giá trị hơn 17,3 tỷ đồng. Phong trào xây dựng Quỹ KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại các địa phương và cơ sở phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết rộng rãi các đoàn thể chính trị – xã hội, các dân tộc – tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ở nước ngoài tham gia đóng góp có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng xã hội học tập”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia tích cực “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập. Đoàn thanh niên với phong trào “Thắp sáng ước mơ” cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập cho các em. Hội Nông dân thực hiện tốt việc rà soát con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn để động viên, giúp đỡ đến trường. Hội Người cao tuổi vận động hội viên với việc “nêu gương”… góp phần nâng cao ý thức học tập, rèn luyện trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ông Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh những nhiệm vụ và giải pháp công tác KH, khuyến tài trong thời gian tới, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, GD nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Hội KH phù hợp với tình hình mới; chú trọng công tác phát triển hội viên, nhất là ở ấp, khóm, cơ quan, trường học; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để kịp thời chỉ đạo.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia xây dựng và cổ vũ phong trào KH, nhất là phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích trong học tập và đóng góp về cơ sở vật chất cho các cấp Hội. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa GD, tích cực xây dựng Quỹ KH ở các cấp, nhất là Quỹ KH ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đảm bảo đáp ứng và hỗ trợ kịp thời cho học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong học tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *