Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản

Ưu tiên phát triển công nghiệp thế mạnh

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16/7/2007 về phát triển CN Cà Mau đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH để chỉ đạo, điều hành đạt được những kết quả khá toàn diện. CN Cà Mau đã đạt và vượt các mục tiêu đến năm 2010 của Nghị quyết: Năng lực sản xuất CN trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc trên một số lĩnh vực như Cụm Khí – Điện – Đạm, nhiều dự án CN lớn đã được đầu tư. Giá trị sản xuất CN tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2007 – 2010 đạt 22% (so với mục tiêu Nghị quyết là 18%).

Trên cơ sở kết quả đạt được và nhận diện những khó khăn thách thức, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm CN chế biến thủy sản (sản phẩm tôm xuất khẩu); ngành hóa chất, phân bón và năng lượng tái tạo, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển CN vùng, và tầm nhìn đến năm 2045, phát triển CN theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao và ưu tiên phát triển các ngành CN thế mạnh của tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, ngành CN phấn đấu tăng trưởng 6,5%/năm và đưa tỷ trọng của ngành CN xây dựng chiếm 35,3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu sản lượng tôm chế biến đến năm 2030 đạt 320 ngàn tấn (giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,2 tỷ USD). Tốc độ tăng năng suất lao động CN đạt bình quân 7,5%/năm. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành CN, doanh nghiệp CN có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh.

Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản vào năm 2030.

Khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, tỉnh sẽ thực hiện điều chỉnh phân bố không gian CN phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành CN và phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu, tài nguyên và lao động; phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển các cụm liên kết ngành CN, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm để thí điểm về cụm liên kết ngành CN đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành CN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất CN.

Phát triển các ngành CN ưu tiên, đến năm 2030 tập trung phát triển một số ngành CN: CN chế biến nông – lâm – thủy sản, CN hóa chất trọng tâm là Cụm Khí – Điện – Đạm tại khu CN Khánh An, công nghiệp năng lượng tái tạo; xem đây là thế mạnh của CN Cà Mau trong xu thế phát triển các ngành CN thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2030 – 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành CN công nghệ thông tin và phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển CN. Tạo mọi điều kiện về cung cấp miễn phí cho nhà đầu tư số liệu, tư liệu, thông tin về quy hoạch và các thông tin, tài liệu khác có liên quan đến việc lập dự án đầu tư phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi về dịch vụ tư vấn đầu tư có chất lượng để hướng dẫn đầu tư, giới thiệu rộng rãi các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất các sản phẩm có thị trường ổn định, đặc biệt là hàng xuất khẩu; các ngành CN có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ, thu hút nhiều lao động; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến. Thực hiện tốt chính sách miễn giảm thuế theo quy định.

Thực hiện kế hoạch về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn với mục tiêu thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH của tỉnh. Thực hiện các chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư; hỗ trợ về vốn và mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về khoa học công nghệ. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp CN nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hỗ trợ thuộc mọi thành phần kinh tế. Hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển CN. Đổi mới chính sách và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào CN, nhất là ngành CN chế biến, chế tạo.

Nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực CN, đáp ứng yêu cầu CN hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng CN lần thứ 4. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế địa phương; thay đổi tư duy từ “học để có bằng cấp” sang “học để làm việc”. Hàng năm đưa công tác đào tạo, phát triển nhân lực vào nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động của địa phương.

Có chính sách phù hợp để thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước về làm việc, công tác tại địa phương. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – CN – nông nghiệp. Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng CN lần thứ 4, trong đó xác định phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông là trọng tâm phát triển của cuộc Cách mạng CN 4.0. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Chủ động liên kết, hợp tác với các viện, trường, trung tâm, nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục tham gia và thực hiện các chương trình về phát triển tài sản trí tuệ qua từng giai đoạn. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất theo quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *