Cà Mau: Quan tâm hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

Lộ giao thông về Đất Mũi đã được đầu tư khá cơ bản.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là loại hình được đặc biệt quan tâm, do phù hợp với năng lực tổ chức của cộng đồng, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường và mang đặc thù của địa phương. Thời gian qua, tỉnh tập trung lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng cho những điểm trọng tâm như Đất Mũi, U Minh Hạ nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.

Hiện, điểm đến du lịch đặc biệt của Cà Mau là Đất Mũi – biểu tượng văn hóa thiêng liêng của dân tộc, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Tại đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú; có các công trình ý nghĩa như: Cột mốc toạ độ Quốc gia, biểu tượng Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội (chuẩn bị xây dựng)… là một trong những địa điểm quan trọng thuộc Chương trình Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi có những địa điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo tạo nên một vùng sinh thái cửa sông ven biển. Chính vì thế, nơi đây đã hình thành tuyến du lịch sớm nhất và được quan tâm nhất trong các điểm du lịch của Cà Mau.

Cụm đảo Hòn Khoai cũng sẽ là một điểm du lịch sinh thái được Cà Mau quan tâm khai thác.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng là điểm đến hấp dẫn, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới; thích hợp cho các hoạt động tham quan, tìm hiểu về hệ sinh thái rừng tràm, tham gia các hoạt động nghề truyền thống gắn với văn hóa bản địa như ăn ong, câu cá đồng… cùng người dân sống ven rừng.

Trong nhiều giải pháp để phát triển du lịch, tỉnh xác định đầu tư phát triển hạ tầng là một trong những yêu cầu cơ bản. Tập trung vào ba khâu đột phá, gồm: Nâng cấp, phát triển sản phẩm, hệ thống dịch vụ du lịch và hạ tầng du lịch; có chính sách xúc tiến du lịch, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Cà Mau; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và tính chuyên nghiệp. Huy động tối đa mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững, đưa du lịch Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng và có sức cạnh tranh cao trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Theo đánh giá của tỉnh, trong những năm qua ngành Du lịch Cà Mau tuy có phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Theo đó, tiến độ triển khai, thực hiện quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch còn chậm; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đồng thời việc thu hút các dự án đầu tư vào du lịch chưa nhiều, số lượng khách và thời gian lưu trú ít. Chất lượng các dịch vụ thấp, sản phẩm du lịch thiếu đặc trưng và có thương hiệu chưa nhiều. Đồng thời chưa phát huy tốt mối liên kết với các tỉnh, khu vực để phát triển du lịch… “Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu xây dựng du lịch Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao, qua đó, xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của tỉnh đạt thương hiệu du lịch quốc gia. Hạn chế và là khó khăn lớn nhất để hoàn thành mục tiêu này, chính là kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tỉnh đã có phương án tháo gỡ với rất nhiều dự án được phê duyệt, đúng tiến độ đề ra. Từ nay đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện các tuyến chính, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Trần Hiếu Hùng thông tin.

Trong nhiều giải pháp để phát triển du lịch, tỉnh xác định đầu tư phát triển hạ tầng là một trong những yêu cầu cơ bản. Tập trung vào ba khâu đột phá, gồm: Nâng cấp, phát triển sản phẩm, hệ thống dịch vụ du lịch và hạ tầng du lịch; có chính sách xúc tiến du lịch, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Cà Mau; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và tính chuyên nghiệp. Huy động tối đa mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững, đưa du lịch Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng và có sức cạnh tranh cao trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong năm 2018, tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước sinh hoạt tuyến T19 ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, phục vụ du lịch cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ nâng cấp chất lượng tại các hộ du lịch cộng đồng đang khai thác. Trong năm này, cũng sẽ đấu nối giao thông điểm du lịch di tích Bác Ba Phi vào tuyến Hòn Đá Bạc.

Giai đoạn 2018 – 2020, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trọng điểm như: Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long; mở rộng tuyến đường đến Hòn Đá Bạc, Sông Trẹm; mở rộng tuyến đường từ Trung tâm huyện U Minh đến Sông Trẹm và đấu nối với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Đặc biệt là triển khai cơ sở lưu trú, điểm vui chơi giải trí tại trung tâm TP. Cà Mau. Kêu gọi đầu tư các điểm du lịch đã quy hoạch, khai thác có hiệu quả lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc, các di tích lịch sử tại TP. Cà Mau, nâng cấp hệ thống thông tin tại các điểm du lịch đảm bảo đường truyền tốc độ cao. Trong giai đoạn này, sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án phục vụ khu Trung tâm di tích Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam, tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình.

Giai đoạn 2020 – 2030, sẽ rà soát nâng cấp các công trình hạ tầng tại các điểm du lịch đang khai thác. Kêu gọi đầu tư và đầu tư mới điểm du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ, điểm du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, điểm du lịch di tích Bác Ba Phi, điểm du lịch Sông Trẹm, điểm du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *