Cà Mau rất quan tâm, tích cực xử lý những phản ảnh của ngư dân

Công trình điện gió Tân Thuận đã tiến hành đóng cọc, hình thành những trụ điện gió đầu tiên trên vùng biển Tân Thuận, Đầm Dơi.

Theo phản ảnh của ngư dân thị trấn Gành Hào và xã Tân Thuận, việc cắm cọc xây dựng trụ điện gió ngay luồng lạch đã gây khó khăn cho việc ra vào cửa biển của các phương tiện khai thác hải sản, nhất là khi có sóng lớn, mưa bão… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Lê Văn Sử thông tin về hiện trạng, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học… về thực hiện dự án điện gió Tân Thuận.

Ông Đặng Văn Hòa (Ấp 1, thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu) nói rằng ông ủng hộ việc phát triển kinh tế biển thông qua các công trình điện gió, tuy nhiên việc xây dựng các trụ điện phải tạo sự thông thoáng, nhất là tạo khoảng cách giữa các hàng trụ điện ngay luồng lạch, để không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tàu thuyền hành nghề khai thác như bao đời nay…

Ngư dân Đặng Văn Hòa (thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu) phản ảnh với Đoàn công tác.

Sau khi nghe phản ảnh của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn và ngư dân tiến hành khảo sát, đo độ sâu luồng lạch tại hiện trường, từ các đơn vị tư vấn độc lập.

Từ kết quả khảo sát hiện trường, ông Lê Văn Sử cho rằng cần tiếp tục khảo sát thật kỹ hơn nữa, sẽ có thông tin kết quả chính thức vào ngày 20/5. Trong đó, cần chỉ ra chính xác rằng luồng lạch từ cửa biển ra ngoài khơi là nằm trong, hay ngoài vùng dự án. Nếu luồng lạch nằm trong vùng dự án thì việc xây dựng trụ cách trụ 450m có đảm bảo cho phương tiện khai thác hoạt động bình thường trên cơ sở pháp lý… 

“UBND tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu rất quan tâm, tích cực xử lý những nội dung mà ngư dân phản ảnh. Khi có kết quả chính thức, sẽ thông báo đến ngư dân”, ông Sử nói.

Dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận (tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) được khởi công vào ngày 27/12/2019, với giai đoạn 1 do Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) đảm nhận thi công.

Nhà máy có công suất 75MW, với 18 tuabin gió được thiết kế theo công nghệ hiện đại, thiết bị có xuất xứ châu Âu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động lâu dài. Tổng mức vốn đầu tư 2.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý III/2021, cung cấp khoảng 220 triệu kWh/năm.

Đây là nhà máy điện năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại đầu tiên trên địa bàn, là công trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600MW; điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500MW; điện sinh khối (điện gỗ, điện đốt rác) khoảng hơn 60MW…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *