Cà Mau thực hiện quy định hỗ trợ khôi phục sản xuất tại huyện Trần Văn Thời

Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, đơn vị chức năng triển khai thực hiện đầy đủ các bước quy trình, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất theo điểm b, khoản 1 và điểm b, khoản 3, Điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể như: Các hộ sản xuất phối hợp với cơ quan chức năng thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã; UBND cấp xã thành lập hội đồng để phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại; UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức thẩm định, tổng hợp mức độ thiệt hại.

Hơn 8.800ha lúa hè thu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại trong đợt mưa kéo dài, kết hợp giông, gió mạnh và triều cường dâng cao từ ngày 17 – 28/8 vừa qua. Ảnh: THANH MINH

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND huyện Trần Văn Thời, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, để tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Thông báo nêu: Qua kiểm tra, rà soát, các hộ sản xuất bị thiệt hại tại huyện Trần Văn Thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP. Cụ thể như: Sản xuất đúng quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn của chính quyền địa phương; đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương (lúa và hoa màu không thuộc đối tượng kê khai sản xuất ban đầu, nên hộ dân không phải kê khai sản xuất ban đầu). Riêng lượng mưa từ ngày 17 – 28/8, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời không đáp ứng về cấp độ rủi ro thiên tai đối với loại hình thiên tai mưa lớn, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (lượng mưa từ 1 – 2 ngày dưới 200mm), nên không đủ điều kiện thực hiện hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Nông dân mong được hỗ trợ để khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất.
Ảnh: THANH MINH

Tuy nhiên, trên thực tế, mưa kéo dài kết hợp giông, gió mạnh và triều cường, mực nước trên sông dâng cao (theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau tại các trạm đo trên địa bàn huyện Trần Văn Thời: Lượng mưa cao nhất 121,5mm vào ngày 18/8; mực nước triều cường cao nhất 0,82m vào ngày 19/8 so với mực nước lịch sử 1,03m; cấp gió giật luôn ở mức từ cấp 5 đến cấp 6 trong thời gian từ ngày 17 – 28/8), trong khi hệ thống thủy lợi ở Cà Mau, nhất là vùng ngọt hóa không chủ động bơm tát nước được, dẫn đến thiệt hại. Thiệt hại đó là có thật và đã được thống kê cụ thể như đã nêu trên.

Để có cơ sở hỗ trợ khôi phục sản xuất, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho hộ sản xuất bị thiệt hại tại huyện Trần Văn Thời, ngày 19/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thống nhất đợt mưa kéo dài kết hợp giông, gió mạnh và triều cường nêu trên tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thuộc loại thiên tai khác, để làm cơ sở triển khai hỗ trợ khôi phục sản xuất tại huyện Trần Văn Thời theo đúng quy định hiện hành; đồng thời, quy định, hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai khác tại khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 để các địa phương thực hiện (Công văn số 2667/SNN).

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Cà Mau vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Việc này, UBND tỉnh đã có văn bản tiếp tục báo cáo, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sớm có ý kiến để làm cơ sở cho tỉnh triển khai thực hiện.

Đối với trình tự hồ sơ, thủ tục hỗ trợ theo Điều 6, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất lập hồ sơ, thủ tục trước, sau đó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận loại hình thiên tai. Trường hợp xác định được loại hình thiên tai, hộ sản xuất được xem xét, hỗ trợ; ngược lại, trường hợp không xác định được loại thiên tai, hộ dân không được xem xét, hỗ trợ. Mặt khác, tại điểm a, khoản 4, Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận thiên tai, nhưng không quy định cụ thể cấp tỉnh hay cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, cũng không quy định rõ vấn đề này. Việc này, UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo cụ thể trình tự hồ sơ, thủ tục hỗ trợ thiệt hại tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, theo hướng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xác nhận loại hình thiên tai trước, sau đó các cơ quan chức năng triển khai việc lập hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ nhân dân, nhằm tránh trường hợp điều tra, thống kê, lập hồ sơ, thủ tục trước nhưng hộ dân không được hỗ trợ, do không đảm bảo về loại hình thiên tai, dẫn đến tốn chi phí, thời gian, nhân lực thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Trần Văn Thời khi tiếp xúc, gặp gỡ nhân dân có thông tin, giải thích thêm và động viên nhân dân khắc phục khó khăn, tập trung sản xuất, kinh doanh để vươn lên trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *