Cà Mau tổ chức hội nghị chuyên đề tôm

Ngoài những lợi thế về địa lý, môi trường, nguồn lao động, việc đầu tư về hạ tầng cũng như nguồn cung ứng đầu vào phục vụ nghề nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau sẽ được các ngành chức năng, các nhà khoa học phân tích, đánh giá, đưa ra những dự báo, làm cơ sở để tập trung nguồn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành những vùng nuôi tôm trong từng giai đoạn phát triển nhất định.

Ngoài các hình thức nuôi tôm đã hình thành nhiều năm qua tại địa phương, nuôi theo hình thức siêu thâm canh được dự báo sẽ mang lại sự đột phá, triển vọng phát triển nhanh tại địa phương.

Hiện, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Đầm Dơi đã có 175ha nuôi siêu thâm canh, năng suất cao, nuôi được nhiều vụ trong năm, hiệu quả ổn định.

Ngoài ra, với diện tích tôm – rừng đến nay khoảng 26.930ha, trong đó có trên 11.000ha của 3.979 hộ nuôi đã được các tổ chức chứng nhận tôm sinh thái, sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau trong thời gian tới.

Một vấn đề gây lo ngại cho ngành tôm Cà Mau lâu nay là số lượng và chất lượng con giống chưa đảm bảo, vật tư đầu vào cũng như thú y thủy sản chưa được chủ động và kiểm soát chặt, môi trường nước ngày càng ô nhiễm, gây áp lực rất lớn đến hiệu quả sản xuất.

Với chiến lược phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất quy mô, quy trình khép kín, theo đó cần thiết phải có nguồn lực lớn về tài chính, diện tích nuôi tập trung, ứng dụng sâu về khoa học – kỹ thuật…, Cà Mau đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, quyết tâm làm tốt sứ mệnh trở thành vựa tôm của cả nước, đóng góp kim ngạch xuất khẩu từ con tôm trên 2 tỷ USD sau năm 2020, trong mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2025, như quyết tâm mà Chính phủ đã đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *