Cà Mau ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tăng cường giám sát, chủ động và cảnh báo dịch bệnh

Phần lớn thịt lợn tiêu thụ trong tỉnh Cà Mau được nhập từ tỉnh ngoài, trong khi đó với đặc thù địa bàn sông ngòi chằng chịt và nhiều tuyến đường (cả đường thủy và đường bộ) chưa có trạm kiểm dịch, nên khó kiểm soát động vật và sản phẩm động vật nhập vào tỉnh Cà Mau. Đây là khó khăn rất lớn đối với công tác kiểm dịch động vật vận chuyển, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào tỉnh.

Phương thức chăn nuôi lợn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm truyền thống, chưa chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh phòng bệnh kém, cùng diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là thói quen tận dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi… Do đó, khả năng xâm nhiễm lây lan mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Cà Mau trong thời gian tới rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương đã dự phòng 2 tình huống và các giải pháp phòng ngừa khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó công tác giám sát chủ động và cảnh báo dịch bệnh được đặc biệt quan tâm. Theo đó, cán bộ thú y xã phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với trưởng ấp và hộ chăn nuôi để theo dõi giám sát đàn lợn tại địa phương, phát hiện sớm những trường hợp lợn nghi mắc bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi, báo cáo kịp thời cơ quan thú y. Trạm thú y huyện khi xác định ca bệnh nghi ngờ, tiến hành lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) gởi xét nghiệm để chẩn đoán xét nghiệm bệnh, báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhanh lợn mắc bệnh và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển và giết mổ: Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào tỉnh tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học, thống kê đàn gia súc, nhằm quản lý tốt việc xuất nhập lợn, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; an toàn dịch bệnh; hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Phát động chiến dịch vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong toàn tỉnh theo từng đợt phát động của Trung ương và địa phương. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất (Benkocid, Iodine…); vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi lợn đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Cơ quan Thú y hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi: Hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi, nhất là tại các cơ sở sản xuất lợn giống; có khu vực sát trùng ngay lối ra vào trại.

Cơ quan thú y hướng dẫn chính quyền địa phương tổ chức cho các cơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, lợn cách nhận biết đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi và cam kết thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Trường hợp một ổ dịch tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có chuồng riêng biệt: Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cán bộ thú y phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với trưởng ấp và hộ chăn nuôi để theo dõi giám sát đàn lợn tại địa phương. Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Tuyên truyền, tránh tạo ra hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang virus.

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho lợn. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, virus trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng; virus trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh, thì virus tồn tại càng lâu.

Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Đối với các trang trại chăn nuôi số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt, thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao, tiến hành tiêu hủy lợn trong toàn trang trại.

Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 – 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus dịch tả lợn châu Phi. Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 – 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus dịch tả lợn châu Phi. Vùng đệm: Trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus dịch tả lợn châu Phi.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, TP. Cà Mau. Xây dựng kế hoạch và bố trí đầy đủ kinh phí để tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực phòng, chống dịch bệnh thực hiện tốt các biện pháp chuyên môn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các tình huống khẩn cấp theo diễn biến tình hình dịch bệnh; tổ chức bộ phận thường trực, cập nhật thông tin, báo cáo theo quy định.

Các cơ quan thông tin truyền thông theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của các tỉnh đang có dịch để kịp thời tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông; hướng dẫn thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đến tất cả cán bộ thú y và cán bộ các hội, đoàn thể ở cơ sở, để các cán bộ này thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đến tất cả người chăn nuôi và toàn dân về tác hại cũng như những mối nguy, đường lây lan do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Cà Mau; đồng thời chú ý công tác tuyên truyền, tránh tạo ra hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *