Cà Mau vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai

Hạn hán, thiếu nước trong mùa khô gây mất phản áp, dẫn đến sụt lún… Tuy nhiên, trong Luật Phòng chống thiên tai chỉ đề cập đến việc sụt lún đất do mưa, lũ, dòng chảy mới được gọi là thiên tai.

Gần 100 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sự cố

Hiện Cà Mau đang thực hiện giải pháp công trình xử lý sụt lún đê biển Tây đoạn Đá Bạc – Kinh Mới (huyện Trần Văn Thời) theo cơ chế khẩn cấp, với chiều dài 4.300m theo hình thức bơm bùn, cát nhằm tạo phản áp trong đê gắn với tạo mặt bằng xây dựng khu tái định cư xen ghép Đá Bạc, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tổng khối lượng bùn và cát đã bơm đến thời điểm hiện nay đạt khoảng trên 76.000m3 với chiều dài tuyến kênh được lấp hơn 3,3km.

Cà Mau đang tập trung thực hiện các giải pháp công trình tại những vị trí đặc biệt nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây trước khi mùa mưa đến.

Đối với sạt lở chân đê biển Tây dài 7.547m từ Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), tỉnh tiến hành kè theo phương thức rọ đá với nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau, tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Đối với 3 vị trí sụt lún mặt đê có chiều dài 240m đoạn Đá Bạc – Kênh Mới, nguồn kinh phí khắc phục sự cố này dự kiến khoảng 3 tỷ đồng.

10 năm mất gần 9.000ha đất rừng

Theo thông tin từ ngành chức năng, 80% chiều dài bờ biển Cà Mau từ Đông sang Tây (254km) bị sạt lở với tốc độ từ 20 – 25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Con số thống kê cho thấy, 10 năm qua Cà Mau đã mất gần 9.000ha đất rừng.

Bờ biển Cà Mau trải dài nhưng luôn trong trạng thái sạt lở quanh năm, cao điểm nhất vào mùa mưa bão, khi mỗi năm mất gần 1.000ha đất rừng ven biển.

Trên tuyến đê biển Tây (dài 154km) thì cũng đã có đến 57km sạt lở cực kỳ nghiêm trọng. Hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có rất nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, có thể làm vỡ đê bất cứ lúc nào. Cụ thể tại các vị trí: Tiểu Dừa – Ba Tỉnh dài 25.000m, Ba Tỉnh – Mũi Tràm 17.000m và Sông Đốc – cửa Bảy Háp dài 15.000m. Trên 16.000 hộ dân sinh sống ven biển và 128.900ha đất sản xuất nông nghiệp luôn trong tình trạng bị đe dọa trước nguy cơ vỡ đê.

Hệ sinh thái rừng ngập bao đời với sứ mệnh đai rừng phòng hộ, lá chắn tiên phong giữ đất, lấn biển, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân, nay nhiều vị trí đã “gục ngã”, biển xâm thực sâu vào trong đất liền.

Tình hình sạt lở đất ven sông, ven biển, sụt lún đường giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, đê biển Tây nói riêng diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp, nhưng nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục còn hạn chế nên chưa thể xử lý triệt để, đồng bộ, dẫn đến tiếp tục mất đất, mất rừng, thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Giải pháp công trình, nhưng phải hài hòa với tự nhiên

Cà Mau nhận thức rằng sụt lún, sạt lở ven biển có nguồn gốc tự nhiên, do đó chỉ nên can thiệp bằng giải pháp công trình trong những trường hợp thật sự cần thiết và phải dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn để không gây xói lở và phá vỡ hệ sinh thái của vùng bờ lân cận. Tùy tình huống sạt lở, sụt lún mà có giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế, vừa đảm bảo tính hiệu quả công trình vừa hài hòa với điều kiện tự nhiên.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố có nhiều yếu tố liên quan, cả về tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, việc đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân, quy luật đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng của các nhà khoa học, các viện, trường…

Hạn hán đã làm tê liệt hoàn toàn giao thông thủy vùng ngọt, chia cắt nhiều tuyến giao thông bộ do sụt lún mặt đường…

Trong hàng loạt vấn đề mà Cà Mau kiến nghị, đề xuất cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các cơ quan Trung ương hỗ trợ, giúp địa phương ngăn chặn thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ngoài kịp thời hỗ trợ nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các giải pháp công trình, thì cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các nguyên nhân khác (ngoài mưa, lũ, dòng chảy) dẫn đến sạt lở, sụt lún đất vào Luật Phòng chống thiên tai, như hạn hán, thiếu nước…, làm cơ sở để kịp thời thực hiện các công trình, phần việc ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại, khôi phục sản xuất.

Sớm xây dựng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó cần khẳng định phạm vi tác động của hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang); khả năng cung cấp nước ngọt của hệ thống này cho các tỉnh vùng ven biển, trong đó có Cà Mau.

Mùa khô hạn đang sắp kết thúc. Ngay sau những cơn mưa đầu mùa, vùng ngọt sẽ còn phải gánh chịu thêm một đợt sạt lở rồi mới ổn định được nền đất, để có thể có biện pháp khắc phục, nối lại mạch giao thông. Nhưng đó cũng là lúc tình hình sạt lở bờ biển từ Đông sang Tây bước vào cao điểm, nguy cơ vỡ đê luôn chực chờ với nhiều âu lo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *