Các hoạt động tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIV

Cử tri Võ Văn Lý (ấp Tân Điền A) lo ngại về tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, yêu cầu Quốc hội góp tiếng nói nhằm bảo vệ quyền lợi nông dân.

Tại buổi tiếp xúc đã ghi nhận 8 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến chính quyền địa phương, Quốc hội.

Cụ thể, ông Phạm Thành Lợi (ấp Tân Điền B) cho rằng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở là quá thấp (720 ngàn đồng/tháng), không đủ chi phí đi lại, kiến nghị nâng lên cao hơn; cần có chế độ BHYT, trợ cấp 1 lần đối với trưởng, phó và công an viên công tác trên 15 năm.

Cử tri Nguyễn Viết Tống (ấp Mương Điều A) bức xúc về tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Gành Hào, đưa vào các tuyến kênh thuộc xã Tạ An Khương do nước thải các công ty chế biến thủy sản đóng trên địa bàn xã Lương Thế Trân gây ra, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sản xuất của người dân.

Ngoài ra, ông Tống còn kiến nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án điện tuyến kênh Bảy Bảng (ấp Mương Đường – Mương Điều A), đã khảo sát hơn 3 năm, nhưng đến nay chưa thực hiện; đề nghị ngành Y tế quan tâm bổ sung trang thiết bị, thuốc cho Trạm Y tế xã, đảm bảo công tác khám,điều trị bệnh cho bệnh nhân, nhằm giảm tình trạng quá tải tuyến trên. Kiến nghị, nên xét xây dựng Nhà tình nghĩa cho cả đối tượng vợ liệt sĩ (tái giá).

Cử tri Trần Xuân Thắng (ấp Mỹ Tân) kiến nghị nên xem xét lại việc cấp Bảo hiểm y tế đại trà trên địa bàn ấp đặc biệt khó khăn, nếu cấp cho cả gia đình khá giả thì phí, thay vì ưu tiên chỉ xét cho hộ nghèo, cận nghèo.

Kiến nghị mở rộng tuyến lộ Đầm Dơi – Cà Mau, bởi hiện nay lưu lượng xe lưu thông rất đông, dẫn đến mất an toàn giao thông.

Cử tri Võ Văn Lý (ấp Tân Điền A) lo ngại về tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, yêu cầu Quốc hội góp tiếng nói nhằm bảo vệ quyền lợi nông dân. Đồng thời, ông yêu cầu cần phải công bằng trong quá trình xử lý vi phạm đối với dân và cán bộ, ông cho rằng còn nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm xử lý chưa nghiêm.

Cử tri Bùi Văn Minh (ấp Mương Đường) bức xúc về việc tranh chấp đất với ông Thái Thanh Quyền (Khóm 1, thị trấn Đầm Dơi) nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Cử tri Nguyễn Văn Nguyên (ấp Tân Phú) bức xúc vấn đề nuôi con em học, tốt nghiệp đại học đã là khó khăn cho rất nhiều gia đình, tuy nhiên khi ra trường lại khó xin việc làm, muốn xin được việc lại phải tốn kém 50 – 100 triệu đồng, sinh ra việc lợi dụng chức quyền vòi vĩnh tiền dân.

Cử tri Lê Hoài Nhanh (ấp Mương Điều) kiến nghị xử lý nghiêm việc tiêm chích tạp chất tôm nguyên liệu, xiết chặt đầu ra từ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp ra điều kiện tôm có chích mới thu mua, thiết nghĩ cần có chế tài mạnh xử lý để có tính răn đe….

Ông Bùi Ngọc Chương ghi nhận các ý kiến của bà con thuộc thẩm quyền cấp trên, như: Vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Gành Hào, ông cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sản xuất của người dân, kéo theo đời sống kinh tế cũng bị ảnh hưởng nên đây là vấn đề phải giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Ông Chương cho rằng, Quốc hội sẽ là kênh đôn đốc tỉnh kiểm tra, thậm chí xử lý nghiêm, mạnh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vấn đề này. Liên quan đến kiến nghị của cử tri, cũng như kiến nghị của lãnh đạo UBND huyện Đầm Dơi, đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương cho rằng đây là kiến nghị chính đáng, bởi khi có cầu Hòa Trung đã tạo nên sự thay đổi đột biến, mật độ lưu thông mạnh, dẫn theo nhu cầu bức thiết nâng cấp lộ.

Tuy nhiên, ông cho rằng địa phương cũng cần chia sẻ với tỉnh, bởi thực tế nhiều địa phương còn khó khăn hơn, cần đầu tư xây dựng, trước mắt ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường ô tô về trung tâm xã…

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao 10 phần quà cho gia đình chính sách trên địa bàn xã Tạ An Khương.

*Bao giờ hoàn thiện các khu đô thị?

Đó là ý kiến đặt ra của nhiều cử tri xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau gửi đến đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại buổi tiếp xúc sáng 29/6.

Nhiều cử tri thông tin, xã Lý Văn Lâm có đến 10 khu đô thị nhưng đến nay chỉ có 5 khu hoạt động đó là: Khu đô thị Tài Lộc; Khu đô thị Bạch Đằng; Khu đô thị Hoàng Tâm; Khu đô thị Thiên Tân; Khu đô thị Việt Hồng (Sao Mai). Nhưng đến nay chỉ duy nhất có Khu đô thị Tài Lộc là hoàn thiện hạ tầng cũng như các quy hoạch khác.

Các khu còn lại thì hạ tầng xuống cấp, vệ sinh môi trường ô nhiễm, an ninh trật tự không đảm bảo…gây nhiều bức xúc cho người dân sống ở các khu đô thị này. Cá biệt là Khu đô thị Hoàng Tâm, có 300 hộ dân đang sống nơi này và đang rất bức xúc về tình trạng xuống cấp của hạ tầng đô thị.

Cử tri kiến nghị ngành chức năng tỉnh không cho các khu đô thị này gia hạn thời gian đầu tư nữa; kiên quyết rút giấy phép đối với những đơn vị không đủ năng lực.

Thêm vào đó, nhiều cử tri tỏ ra bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường tuyến kênh xáng Lương Thế Trân do các công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản xả thải trực tiếp ra sông; người dân sống khu vực kênh xáng vẫn chưa có lộ, điện vẫn còn chia hơi. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đi lại của người dân.

Nhiều cử tri ấp Lung Dừa, khu vực chuyên canh cây lúa và rau màu thì bức xúc vì giá cả thuốc bảo vệ thực vật cao, điệp khúc “được mùa, mất giá luôn tái diễn”; gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.

Trước những kiến nghị của người dân, ngành chức năng tỉnh thông tin hiện nay tỉnh Cà Mau chỉ đạo quyết liệt đối với các khu đô thị; đến cuối năm 2017 nếu đơn vị nào không hoàn thiện về hạ tầng thì sẽ thu hồi và giao cho đơn vị khác đầu tư phát triển.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường; Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh; Ban Quản lý Các khu kinh tế tỉnh đã khẩn trương vào cuộc và cũng đã mạnh tay xử lý đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và xiết chặt hơn trong khâu quản lý.

Riêng tuyến kênh xáng Lương Thế Trân do Trung ương quản lý, thời gian qua từ xã, TP.Cà Mau, tỉnh nhận thấy có nhiều bức xúc và đã có nhiều kiến nghị nhưng vẫn chờ do thiếu vốn. Vấn đề này đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh tiếp thu và hứa sẽ có kiến nghị tại diễn đàn tiếp sau của Quốc hội.

*Ngày 29/6, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Thái Trường Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tiếp xúc trên 70 bà con cử tri xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn.

Tại buổi tiếp xúc nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gởi tới đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: Tình trạng lộ, cầu giao thông nông thôn xuống cấp cần được sửa chữa và đầu tư một số tuyến lộ mới; xe quá tải đi lại trên cầu còn xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng công trình; giá cát tăng đột biến, chất lượng vật tư, thức ăn thủy sản, giá heo hơi giảm, giá điện trong kinh doanh và sản xuất chênh lệch nhau là những vấn đề cần được ngành chức năng quan tâm tháo gở; chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ ngành y tế còn bất cập, lực lượng này gặp khó trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quan tâm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Công ty chế biến thủy sản, hộ dân nuôi tôm công nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng xả nước thải, gây ô nhiễm môi trường; cần nghiên cứu đưa vào danh mục các loại thuốc đặc trị cho người dân tham gia Bảo hiểm y tế được hưởng lợi.

Vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm và cần được quản lý, xử lý nghiêm hiện nay là tình trạng tham nhũng, hiếm dâm trẻ em; các dụng cụ sát thương rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội…

*Sáng 28/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, do ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, làm trưởng đoàn; ông Thái Trường Giang, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Nhân buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao 10 phần quà cho gia đình chính sách trên địa bàn xã Đất Mũi.

Buổi tiếp xúc có sự tham gia của hơn 60 cử tri với 12 ý kiến, kiến nghị xoay quanh vấn đề như: Quy hoạch sản xuất, giữ rừng, quy hoạch dân cư, quy hoạch tái định cư, quy hoạch phát triển du lịch…

Cụ thể, cử tri Nguyễn Văn Giàu (ấp Rạch Thọ) đại diện cho gần 50 hộ dân ở khu Rẫy Trương Phi, kiến nghị ngành chức năng cần tạo điều kiện cho dân khu này di dời, tái định cư để ổn định sản xuất.

Cử tri Phan Văn Dũng (ấp Kinh Đào Tây) thì bức xúc về việc các doanh nghiệp chế biến thủy sản xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất của người dân.

Cử tri Lê Minh Hùng (ấp Bà Hương) cho rằng, việc thực hiện Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo còn chậm, dân không có điều kiện đối ứng. Lộ giao thông nông thôn của một số ấp đang xuống cấp trầm trọng, có nhiều tuyến đang bức xúc đầu tư.

Ở góc độ khác, cử tri Nguyễn Văn Hôn (ấp Kênh Đào) nêu việc phát triển du lịch không theo quy hoạch của Khu du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; chính vì vậy dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển ngành kinh tế nhiều tiềm năng này.

Cử tri Nguyễn Văn Sơn (ấp Cái Quảng) quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo; việc sản xuất của hợp tác xã nuôi nghêu và nuôi hào còn khá nhiều bất cập; tình trạng con em địa phương thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học còn rất nhiều.

Đặc biệt là việc quy hoạch tuyến dân cư dọc đường Hồ Chí Minh vẫn chưa được triển khai, gây nhiều lo lắng trong dân.
Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo xã Đất Mũi, cho biết, hiện nay Đất Mũi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Bằng nhiều cố gắng, mức sống của người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với trước đây.

Việc xây dựng nhà theo Quyết định 33 của Chính phủ vẫn chưa nhận vốn từ Trung ương, huyện đã linh động bằng nguồn vốn vay để triển khai; người dân cần đồng hành với huyện, xã để triển khai thực hiện quyết định này; thêm vào đó, do địa chất của vùng đất yếu như huyện Ngọc Hiển việc xây dựng nhà theo tiêu chuẩn “ 4 cứng” là rất khó khăn.

Việc quy hoạch tái định cư đang được huyện triển khai quyết liệt, người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác này; không vì lợi ích kinh tế trước mắt và sống ngoài đê biển rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến quy hoạch dân cư của huyện, xã.

Về xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí cơ sở hạ tầng thì năm nay huyện sẽ tập trung cho xã Tân Ân Tây; xã Đất Mũi sẽ được ưu tiên vào năm 2018. Trước mắt, huyện chỉ đạo các ấp của xã phải đẩy nhanh tiến độ làm lộ đất đen, khi có vốn sẽ triển khai ngay.

Việc nuôi nghêu, sò đang rất bức xúc do quá trình quản lý, bảo vệ, khai thác chưa có sự đồng thuận trong dân; chính quyền địa phương phải làm tiếp để dân phát triển bền vững từ hợp tác xã.

Lãnh đạo xã, huyện thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ sản xuất là có; địa phương đã tăng cường vận động người dân; ngành chức năng can thiệp nhưng chưa có hiệu quả… Tới đây, nhà máy bột cá với công suất 300 tấn/ngày sẽ đưa vào hoạt động, tình hình này sẽ được cải thiện.

Về quy hoạch dân cư ven đường Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Lý Hoàng Tiến chia sẻ: Hiện nay, ven tuyến đường Hồ Chí Minh có phần thuộc về rừng xung yếu, đặc biệt xung yếu và đất sản xuất. Nhân dân cần tìm hiểu kỹ luật định, cất nhà phải theo quy hoạch, theo tuyến.

* Cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi người dân

Chiều ngày 23/6, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chủ trì buổi tiếp xúc với khoảng 50 cử tri thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình.

Cử tri Lê Văn Kịch, khóm 1 cho rằng Quốc hội cần nghiên cứu tìm đầu ra cho giá cả hàng hóa giúp người nông dân có thu nhập ổn định, bảo vệ quyền lợi người dân, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Có 12 lượt ý kiến của cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương liên quan đến các vấn đề: Lợi ích nhóm, nạn nhũng nhưng khó thu hồi tiền sau khi phát hiện, dẫn đến nợ công càng lớn.

Nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia trên Biển Đông, cử tri Trương Hoàng Anh, cán bộ hưu trí, Khóm 1, cho rằng: Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Trung Quốc càng lấn tới, nên chúng ta có động thái mạnh hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Cử tri Lê Văn Kịch, Khóm 1: Quốc hội cần nghiên cứu tìm đầu ra cho giá cả hàng hóa giúp người nông dân có thu nhập ổn định, bảo vệ quyền lợi người dân, tránh tình trạng được mùa mất giá; cử tri Lê Văn Kịch còn quan tâm chuyện có hay không việc Nhà nước cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh xây dựng hệ thống quân sự; việc thời lượng dành cho bản tin thời sự trên đài phát thanh – truyền hình còn hạn chế, nội dung chưa đáp ứng yêu cầu.

Tương tự, cử tri Huỳnh Văn Thanh, Khóm 1 than phiền việc giá cả đầu ra nông sản bấp bênh, nông dân chịu nhiều thiệt thòi, điển hình là tình trạng giá heo, cá sấu, cá bổi…rớt giá nghiêm trọng vừa qua, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế bộ phận nông dân, trong khi đó giá phân bón, thức ăn vẫn tăng mạnh. Việc đặt tên cầu, cống trên địa bàn thị trấn còn bất hợp lý, thay vì lấy tên nhân vật anh hùng, có công trong kháng chiến thì việc đặt tên cầu, cống hiện nay chủ yếu dựa vào ở gần nhà ai thì đặt cầu gắn với tên đó.

Đến việc nông dân ngán ngại đóng nhiều nguồn quỹ, tính sơ mỗi hộ phải nộp 6 nguồn quỹ: Quỹ vì người nghèo; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; ANQP; Quỹ vận động xã hội hóa Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ phòng chống thiên tai…

Cử tri Nguyễn Ngọc Chọn, Khóm 1 cho biết bà thuộc diện gia đình chính sách, em liệt sĩ, chống bệnh tai biến, bản thân công tác Ngành Y tế 20 năm, sau bao năm làm lụng vất vả mới sang được 1 nền nhà, nay chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất không đúng với diện tích gia đình bà đã mua trước đây, do đó gia đình vẫn chưa được an cư, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Cử tri Huỳnh Văn Đức, Khóm 1, việc giá cát trong nước tăng cao, đề nghị ngưng việc bán cát cho nước ngoài…

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân ghi nhận và lần lượt trả lời các ý kiến thuộc thẩm quyền của Quốc hội, liên quan đến vấn đề tham nhũng ông cho rằng việc đưa vào bộ máy nhà nước những con người làm cán bộ lãnh đạo kém trình độ năng lực; không có tầm nhìn xa; kêu gọi đầu tư các dự án không hiệu quả, bòn rút của công, tham nhũng…là một trong những nguyên nhân gây ra nợ công càng lớn.

Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng đã có kế sách riêng khôn khéo; đủ cơ sở pháp lý, đấu tranh bằng nhiều cách, không hẳn bằng chiến tranh.

Việc thông tin nhà nước cho nước ngoài thuê Cảng Cam Ranh là không chính xác, bởi “Cam Ranh là mắt thần của Biển Đông”, hiện cảng vẫn sử dụng nhằm mục đích khai thác kinh tế, cho quân đội sử dụng mục đích quân sự.

Những vấn đề của chính quyền địa phương lần lượt giải trình thỏa đáng.

Bên cạnh đó, một số vấn đề chưa thống nhất, Chủ tịch UBND thị trấn sẽ sắp xếp có cuộc đối thoại trực tiếp với bà con.

Nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm

Sáng ngày 23/6, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chủ trì buổi tiếp xúc cử tri Phường 1, TP. Cà Mau.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 22/5 – 21/6 vừa qua

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 22/5 – 21/6 vừa qua. Đồng thời ghi nhận các ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn gửi đến Quốc hội và chính quyền địa phương.

Cử tri Trịnh Thị Hoàng Minh (Khóm 1) lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng sức khỏe, sản xuất của người dân. Vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm, tương lai về đâu, Quốc hội có chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho đối tượng này.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, nhiều cử tri cho rằng, hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh diễn ra tình trạng quá tải, thiết bị xuống cấp, kéo theo chất lượng khám chữa bệnh hạn chế, yêu cầu cấp trên đầu tư hỗ trợ ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Cử tri Tôn Thái Nguyên (Khóm 2) cho rằng: “Chưa bao giờ con đường từ bao tử đi đến nghĩa địa nhanh như hiện nay”, bởi hệ lụy của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các ngành chức năng yêu cầu người dân hãy là người tiêu dùng thông minh. Tuy nhiên các ngành chức năng chưa có sự vào cuộc quyết liệt quản lý chất lượng đầu vào, giám sát chặt quy trình sản xuất, xuất xứ, nguồn gốc thực phẩm.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần có hình phạt thích đáng và biện pháp thu hồi tiền tham nhũng, vì đó là tiền của dân, từ mồ hôi công sức của dân.

Cử tri Hà Thị Thúy (Khóm 2) đại diện cho 44 hộ dân trên địa bàn kiến nghị đến đại biểu Quốc hội vấn đề liên quan đến Dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh, bà cho rằng, nếu Dự án đúng với quy hoạch ban đầu của thì dân đồng ý bồi thường giá cũ; còn nếu có sự nhúng tay của doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh thì cần thỏa thuận với dân mức giá bồi thường cao hơn.

Bên cạnh đó, một số cử tri còn bức xúc một số vấn đề: Tệ nạn ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự; tình hình lò thiêu đặt tại chùa Monivongsa Bopharam thải ra mùi khó chịu, ảnh hưởng môi trường, đề nghị đầu tư công nghệ cao hơn…

Một số vấn đề cử tri thắc mắc được đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân giải đáp trực tiếp, như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Vân, đây cũng là vấn đề đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu tại Kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIV vừa qua. Từ đó, đại biểu Giang cũng đã đề xuất Quốc hội tăng hình phạt cao hơn dành cho đối tượng vi phạm liên quan lĩnh vực này.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua Quốc hội cũng đã sửa đổi, ban hành những mức xử phạt cao hơn; gắn với phát động phong trào khuyến khích cá nhân tố cáo tội phạm tham nhũng, khen thưởng kịp thời cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng, góp phần đẩy lùi tệ nạn trên… Một số vấn đề cử tri đặt ra nêu trên được các ngành tỉnh, lãnh đạo thành phố trực tiếp trả lời thỏa đáng cho bà con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *