Cách ứng phó triều cường của người dân ven biển

Các hộ dân chủ động xây bờ kè bê-tông để phòng nước dâng và sạt lở.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, đợt triều cường bất thường, nước biển lên nhanh và cao hơn mọi năm kèm theo những đợt sóng lớn đã gây thiệt hại khá lớn cho người dân ở Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm. Cơ sở thu mua thủy hải sản của anh Võ Hoàng Anh ở ngay cửa biển, nên khi triều cường đột ngột dâng cao, gia đình anh trở tay không kịp nên nhiều tài sản bị sóng cuốn mất, một số thì bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Triều cường dâng cao không phải là hiện tượng quá xa lạ với người dân ven biển, tuy nhiên với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, những đợt triều cường lên cao bất ngờ khiến người dân lo lắng. Nhất là vào những tháng cuối năm, trước diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay, dự báo triều cường có khả năng dâng cao hơn nữa.

Để chủ động ứng phó triều cường và hạn chế thiệt hại đến mức tối đa, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có những cách làm hay và hiệu quả. Như hộ anh Nguyễn Văn Đua (ấp Cái Đôi Vàm, thị trấn Cái Đôi Vàm) đã chọn cách gia cố bờ bao khuôn hộ. Anh Đua cho biết: “Những năm trước, do chủ quan nên khi triều cường dâng lên, dù không ngập nhiều nhưng nước mặn tràn vào làm thiệt hại phần lớn cây ăn trái trong vườn; nước còn tràn qua cống, vuông tôm gây thất thoát tôm cá. Do đó, gia đình rút kinh nghiệm, đưa cơ giới vào để đắp đất, be bờ ngăn mặn và năm nào gần đến mùa nước dâng thì tôi cũng đắp, gia cố thêm”.

Xây nhà “cao cẳng” là một trong những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh nước biển dâng của người dân sống ven các cửa sông, ven biển.

Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư xây dựng kè bê-tông tuyến sông lớn. Theo một số hộ dân, dù kè bê-tông chi phí rất cao nhưng có thời gian sử dụng khá lâu và còn tránh được tình trạng bị xói mòn, sạt lở ven sông. Dọc theo tuyến sông Cái Đôi Vàm (ấp Cái Đôi Vàm), người dân đã thực hiện bê-tông hóa bờ kè ven sông hơn 2/3 đoạn sông qua địa bàn ấp. Ông Trương Thành Đô, Trưởng ban Nhân dân ấp, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 09 của Huyện ủy Phú Tân, chính quyền địa phương đã tuyên truyền các hộ sống ven sông làm bờ kè, không chỉ ngăn triều cường mà còn giảm được sạt lở ven sông. Qua đó, người dân đồng tình ủng hộ cao. Trên tuyến này, bà con đã làm kè bê-tông hơn 2.000m; còn khoảng trên 1.000m là chưa bê-tông hóa, nhưng bà con cũng trồng cây chắn sóng, kè bằng cơ giới để chống sạt lở. Hai đợt triều cường vừa qua, nước dâng, nhưng không đến nỗi tràn bờ”.

Ông Phạm Văn Den, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại những tuyến, vùng nào có nguy cơ ngập, bị ảnh hưởng của triều cường cao, qua đó vận động người dân có ý thức tự be bờ vuông tôm của gia đình trước, nhằm tránh thiệt hại. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã có ý thức, chủ động ứng phó”.

Thực tiễn cho thấy, việc thi công những công trình lớn chống ngập do triều cường tại Phú Tân đã tạo hiệu ứng tích cực, ngăn được hiện tượng mực nước dâng cao bất thường. Điều này cho thấy được sự chủ động của bà con trước sự diễn biến khó lường của thời tiết. Tuy nhiên, việc xây dựng kè bê-tông ngăn triều cường còn mang tính chất cục bộ, vì Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều cửa biển lớn nên nếu kè chỗ này thì nước sẽ tràn vào chỗ khác. Vì vậy, thời gian tới các ngành chức năng và địa phương cần có những giải pháp và công trình đồng bộ mới giải quyết được vấn đề ngập do triều cường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *