Cách xử lý có nhẹ tay?

Phản hồi từ ông Chiếu

Theo đó, nội dung báo cáo có đề cập: “Khoảng tháng 10/2015, ông Chiếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Cam với giá 600 triệu đồng…”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiếu cho rằng không đúng với thực tế. Theo ông Chiếu, thời gian ấy, ông Cam chỉ cho ông mượn 335 triệu đồng trả ngân hàng để lấy 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về, để ông Cam vay giùm, có nhiều tiền làm ăn hơn. Sau đó, ông Cam cũng không đưa cho ông 216 triệu đồng và ông Cam cũng không thiếu ông 49 triệu đồng.

Về nội dung từ tháng 7/2016 đến 10/2017, giữa ông Chiếu và ông Cam có 2 thỏa thuận sang nhượng đất với giá trị hàng trăm triệu đồng để “cấn nợ”. Ông Chiếu cho biết: “Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2016 đến 10/2017, tôi với ông Cam chỉ làm 1 thỏa thuận là giao cho ông Cam 6,5 công đất đo bằng tầm 3m để trừ 300 triệu đồng trong số tiền mà tôi mượn của ông Cam, để trả cho ngân hàng và tôi còn thiếu lại ông Cam 35 triệu đồng. Đồng thời tôi đã ghi nợ đối với ông Cam và ông Cam có hứa 6 tháng sau, kể từ ngày thỏa thuận sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho tôi”.

Theo văn bản tường thuật của ông Chiếu, sau thời gian trên, ông Cam có làm 1 giấy sang nhượng phần đất còn lại của ông là 4,5 công, đo bằng tầm 3m cho ông Cam. Ông Cam thống nhất phải trả lại cho ông Chiếu 500 triệu đồng. Ông Cam đã đặt cọc cho ông Chiếu 20 triệu đồng tiền mặt. Vợ ông Chiếu có mượn trước 5 triệu đồng và ông Cam trừ tiền trong giấy ghi nợ với ông Cam là 120 triệu đồng, vì ông Cam buộc khi nào sang phần đất còn lại, ông Chiếu phải trả cho ông Cam 120 triệu đồng. Tổng cộng ông Cam đã trả với số tiền là 145 triệu đồng. Còn lại 355 triệu đồng, ông Cam hứa khi nào làm giấy chuyển quyền xong và vào canh tác thì trả đủ 355 triệu đồng cho ông Chiếu chuộc đất lại. Vì trước đó đất đã cố cho ông Cao Văn Hữu và ông Cao Văn Thọ 10 lượng vàng 24K.

“Hơn nữa, tôi và ông Cam có tự thống nhất thỏa thuận thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không còn khiếu kiện liên quan đến vụ việc, nhưng ông Cam không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, mà trái lại, ông Cam khiếu kiện tôi đến cơ quan xã Phong Lạc, cho rằng tôi sang đất còn thiếu chịu tiền ông Cam và cơ quan xã Phong Lạc đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành”, ông Chiếu cho biết.

Trong văn bản gửi Báo ảnh Đất Mũi, ông Nguyễn Văn Chiếu khẳng định nội dung trên là đúng với sự thật, nếu có gì sai trái, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Văn bản phản hồi với nội dung cam kết đúng với sự thật, nếu có gì sai trái sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của ông Nguyễn Văn Chiếu.

Có đảm bảo khách quan trong cách xử lý?

Quay trở lại với báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời xoay quanh bài viết, do ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện ký, thể hiện nội dung bài viết là có cơ sở, lập khống hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất với hành vi giả mạo chữ ký là có thật. Song trong báo cáo, ngoài việc sẽ tiến hành hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiểm điểm các cán bộ có liên quan thì hành vi giả mạo chữ ký không được xử lý với bất kỳ hình thức nào. Điều này dư luận cho rằng không đảm bảo khách quan, cũng như không đủ sức răn đe.

Báo cáo có nêu: “Riêng việc ông Nguyễn Văn Cam có hành vi lập khống hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Chiếu sang tên ông Cam, nhưng qua xác minh xét thấy không nhằm mục đích chiếm đoạt đất của ông Chiếu, do trước đó ông Chiếu đã cố đất. Mục đích của ông Cam chuyển tên quyền sử dụng đất là để vay ngân hàng bù lại số tiền đã đưa cho ông Chiếu, hành vi của ông Cam không có dấu hiệu của tội phạm hình sự”.

Được biết, cùng thửa đất trên, trước đó, ông Chiếu cũng đã có giao dịch bằng hình thức cố một phần đất cho hộ ông Cao Văn Thọ và ông Cao Văn Hữu. Hai ông này cũng đã sử dụng. Nói khác đi thì một phần trong thửa đất trên là quyền sử dụng hợp pháp của ông Thọ và ông Hữu. Trong khi đó, ông Cam đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Chiếu (có một phần đã cố cho ông Thọ và ông Hữu). Hồ sơ chuyển nhượng được ông Cam thiết lập với hình thức giả mạo chữ ký. Vậy hành vi của ông Cam có được pháp luật bảo vệ?.

Thu hồi nợ để bảo vệ lợi ích của mình là quyền chính đáng, nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật. Việc thu hồi nợ theo hình thức “bất chấp” của ông Cam cũng như cách xử lý hành vi giả mạo chữ ký của chính quyền sở tại đã và đang gây nhiều dư luận trái chiều.

Hiện tại, tất cả các quy định của luật đều đề cập chế tài đối với hành vi giả mạo chữ ký người khác. Tại Điều 75 Luật Công chứng: “Người yêu cầu công chứng có các hành vi gian dối khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật…”.

Còn tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì: Hành vi giả mạo chữ ký của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chẳng hạn: Hành vi giả mạo chữ ký của người khác để chiếm đoạt tài sản, tước quyền thừa kế của người khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *